Thứ sáu,  20/09/2024

Những nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ – ngày ấy, bây giờ

(LSO) – Cách đây hơn 55 năm, sự kiện Tiểu đội nữ du kích xã Quang Lang, huyện Chi Lăng bắn rơi máy bay F105 của đế quốc Mỹ vào ngày 1/12/1965 khiến cho bao người nao nức. Thì nay, câu chuyện về những người “con gái” năm đó lại trở thành niềm tự hào của những người phụ nữ vùng “lũy ải” nói riêng, Xứ Lạng nói chung.

   Những hồi ức khó quên

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, mỗi chiếc máy bay bị bắn hạ đều là câu chuyện ly kỳ với rất nhiều cảm xúc. Càng đặc biệt hơn, khi một chiếc máy bay “Thần sấm” F105 lại bị bắn hạ bởi những khẩu súng trường K44 của một đội du kích nữ tại xã Quang Lang (nay là Thị trấn Đồng Mỏ), huyện Chi Lăng.

Cầm trong tay tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất,  bà Vi Thị Bay, thôn Làng Cóc, thị trấn Đồng Mỏ bồi hồi nhớ lại từng chút ký ức: Ngày ấy, thanh niên xung phong đánh giặc nhiều lắm. Thấy con trai cầm súng, chúng tôi cũng chẳng sợ gì. 11 chị em hầu hết chưa đủ 18 tuổi nhưng đều hăng hái, mỗi ngày dậy sớm, lên núi tập bắn, tập trận địa, làm quen với hiệu lệnh, ban ngày trực chiến, tối về tiếp tục sản xuất…

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chi Lăng tới thăm hỏi, động viên nữ du kích Vi Thị Bay, thôn Làng Cóc, thị trấn Đồng Mỏ

Năm 1965 là thời điểm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, cho máy bay bắn phá miền Bắc. Tại Lạng Sơn, Ga Đồng Mỏ là một trong những trọng điểm bị tấn công nhằm phá hoại nơi tiếp nhận hàng hóa, vũ khí các nước xã hội chủ nghĩa tiếp viện cho Việt Nam. Đội nữ du kích xã Quang Lang được thành lập trong bối cảnh đó, là một trong rất nhiều đơn vị vũ trang trên địa bàn. Để rồi ngày 17/11/1965, tại trận địa đồi Khau Phục, thôn Làng Đăng, xã Chi Lăng, chính những người lính xung phong nhỏ nhắn, với trang bị sơ sài ấy đã bắn hạ chiếc máy bay F105, có khả năng mang trên mình hàng tấn bom, khiến ai cũng ngỡ ngàng.

   Truyền thống quý được lưu giữ

Đã hơn 55 năm qua đi, chiến tranh lùi xa, Tiểu đội nữ du kích ngày ấy giờ chỉ còn 7 người (2 người đã mất, 2 người không có tin tức). Sau ngày giải phóng, những “cô gái” năm ấy trở về với đời thường, làm mẹ, làm vợ, tay cuốc, tay cày ra sức xây dựng quê hương, hàn gắn những vết thương chiến tranh.

Bà Nông Thị Nệ, khu Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Trở về cuộc sống đời thường, chúng tôi lại tham gia sản xuất, chăm lo cho gia đình. Những năm gần đây, chúng tôi mới có cơ hội gặp nhau nhiều hơn nhưng đã không còn đủ như xưa nữa. Tuy mỗi người một hoàn cảnh song gặp nhau, được ôn lại chuyện xưa và san sẻ những khó khăn trong cuộc sống là chúng tôi đã cảm thấy vui lắm rồi.

Để ghi nhớ những chiến công của Tiểu đội nữ du kích xã Quang Lang, năm 1998, Tiểu đội được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến công hạng Nhì và Huy chương Kháng chiến hạng Nhất cho mỗi cá nhân, để họ được hưởng những chính sách đối với người có công theo quy định. Đặc biệt, trong những năm gần đây, những nữ du kích năm xưa thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, động viên và được tham gia các sự kiện tuyên truyền chiến công tại nhiều đơn vị, vùng miền trên cả nước.

Bà Vy Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện nói chung, Hội LHPN huyện nói riêng đều có những hoạt động tri ân sâu sắc đến đội nữ du kích vào những ngày lễ, tết, kỷ niệm. Sắp tới, nhân dịp 8/3 (ngày quốc tế phụ nữ), chúng tôi sẽ tổ chức thăm, tặng quà, tuyên truyền về những tấm gương của các “chị” cho thế hệ sau. Họ chính là nguồn cảm hứng để chị em chúng tôi noi theo, học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, xây dựng quê hương trong thời bình.

Trải qua hơn 55 năm đất nước hòa bình thống nhất, những “cô gái” năm nào đều đã bước sang cái tuổi “cổ lai hy”, tóc bạc, da mồi nhưng họ vẫn luôn là niềm tự hào cho thế hệ con cháu tiếp bước xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

TIỂU YẾN - ĐẶNG DŨNG