Những quy định, chính sách đối với chiến sĩ và thân nhân

Nhằm khuyến khích, động viên thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, Đảng, Nhà nước và Quân đội có nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi đối với quân nhân và hậu phương trong thời gian tại ngũ, khi xuất ngũ. Cùng với đó là một số quy định khác mà chiến sĩ và thân nhân cần ghi nhớ để phối hợp với đơn vị quản lý, động viên, nhắc nhở con em yên tâm gắn bó, phấn đấu, tránh dao động, phân tâm tư tưởng.

Chế độ, chính sách đối với quân nhân và thân nhân

Trước hết, về chế độ nghỉ phép, Điều 3 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS) phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của HSQ, BS tại ngũ quy định: HSQ, BS phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi thì được nghỉ phép hằng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. HSQ, BS là học viên các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, thời gian học từ một năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa hai năm học thì thời gian nghỉ này được tính là thời gian nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho HSQ, BS nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của HSQ, BS bộ binh.

HSQ, BS đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc HSQ, BS lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 5 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Một số điều chiến sĩ mới cần ghi nhớ
Cắt tóc cho chiến sĩ mới theo đúng quy định về lễ tiết, tác phong tại Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 8, Quân khu 9). 

 

Điều 5 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP quy định, HSQ, BS được miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 4 tem thư/tháng và được cấp cùng kỳ phụ cấp quân hàm hằng tháng. Trước khi nhập ngũ, HSQ, BS là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ theo quy định hiện hành. HSQ, BS tại ngũ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi thì được tham gia tuyển sinh theo quy định của Bộ Quốc phòng và được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành.

Đối với thân nhân HSQ, BS tại ngũ, Điều 6 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP quy định: Thân nhân của HSQ, BS tại ngũ quy định tại khoản 2, Điều 2 nghị định này được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau đây: Khi nhà ở của HSQ, BS tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần. Thân nhân của HSQ, BS tại ngũ ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại điểm a khoản này được thực hiện không quá hai lần/năm đối với một HSQ, BS. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại điểm b khoản này được thực hiện không quá hai lần/năm đối với mỗi thân nhân của HSQ, BS. Thân nhân của HSQ, BS tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.

Khoản 7 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của HSQ, BS tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP thuộc diện được miễn học phí.

Ngoài các chế độ, chính sách trên, HSQ, BS khi xuất ngũ sẽ được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu, xe, phụ cấp đi đường, chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm; được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hằng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa-tinh thần…; được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng từ tháng thứ 25 trở đi nếu được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ…

Những quy định với chiến sĩ và thân nhân

Một trong các quy định đầu tiên HSQ, BS phải chấp hành là không được sử dụng điện thoại cá nhân. Quy định này xuất phát từ đặc thù hoạt động quân sự cần bảo đảm bí mật tuyệt đối. Để phục vụ nhu cầu liên lạc với bạn bè, người thân, ở các đại đội đều bố trí điện thoại để chiến sĩ gọi điện vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Ngoài ra, chiến sĩ khi cần có thể mượn điện thoại của chỉ huy để liên lạc về gia đình. Trường hợp HSQ, BS tự ý sử dụng điện thoại cá nhân sẽ tịch thu gửi về cho gia đình, thậm chí bị xử lý kỷ luật theo quy định, tùy vào mức độ vi phạm, hậu quả.

Là người có nhiều năm quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới, Thiếu tá Vũ Thế Ngọc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3) chia sẻ, HSQ, BS mới về đơn vị thường bỡ ngỡ do môi trường hoạt động quân sự có tính đặc thù. Việc phải tuân thủ các quy định và sinh hoạt theo chế độ giờ giấc nhất định cũng khiến họ bị “ngợp” trong thời gian đầu quân ngũ. Theo đó, thời gian học tập, công tác, nghỉ ngơi của bộ đội được cụ thể hóa thành 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần. Các chế độ được quy định thể hiện cao tính khoa học nhằm duy trì các hoạt động trong ngày, trong tuần của quân nhân. Với tính liên tục của 11 chế độ trong ngày, quân nhân không chỉ được học tập, huấn luyện, rèn luyện, vui chơi một cách khoa học mà còn bảo đảm cho toàn đơn vị hoạt động thống nhất, chính quy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý kỷ luật của mỗi đơn vị. Thiếu tá Vũ Thế Ngọc nhấn mạnh: “Mỗi quân nhân cần nắm chắc các mốc thời gian, nội dung công việc và tự giác thực hiện. Đây là cách tốt nhất để quân nhân rèn cho mình lối sống khoa học, kỷ luật. Ngoài ra, môi trường Quân đội có tính tổ chức chặt chẽ nên chiến sĩ đi đâu, thực hiện nhiệm vụ gì đều phải báo cáo theo phân cấp. Nếu quân nhân có tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc thì cần báo cáo chỉ huy cấp trên hoặc nêu ý kiến thông qua các buổi sinh hoạt, diễn đàn, hòm thư góp ý… Chỉ huy các cấp sẽ có trách nhiệm giải đáp những vấn đề này”.

Thân nhân HSQ, BS có thể lên đơn vị thăm con em và sẽ được đơn vị bố trí nơi tiếp đón chu đáo, thăm nơi ăn, ở của bộ đội theo sự hướng dẫn hoặc phân công của chỉ huy đơn vị theo quy định của Quân đội và đơn vị.

Đối với chiến sĩ mới thì mọi thứ trong Quân đội đều mới mẻ, từ việc ăn, ở, đi lại, học tập, sinh hoạt, xưng hô chào hỏi đều rất khác so với môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, để chiến sĩ mới hình thành thói quen, thích nghi với môi trường Quân đội, chỉ huy các cấp cần chú trọng tuyên truyền để họ nắm rõ tiến tới tự giác thực hiện. Đối với chiến sĩ, cần xác định rõ tư tưởng phấn đấu, nêu cao ý thức chấp hành để tránh vi phạm.

Điều 21 Thông tư số 16/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về hành vi trốn tránh nhiệm vụ như sau:

1. Tự gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của mình, giả bị bệnh hoặc dùng các hình thức gian dối khác để trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến giáng chức, cách chức: a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan; b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm; c) Lôi kéo người khác tham gia.

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mot-so-dieu-chien-si-moi-can-ghi-nho-718831