Thứ sáu,  20/09/2024

Chuyện người thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ

(LSO) – Ông Vi Văn Sòi, dân tộc Tày, quê quán ở xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, là cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi đến thăm ông vào dịp cả nước đang tưng bừng khí thế chuẩn bị kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy đã 84 tuổi nhưng ông còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Nghe ông kể những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” mà tôi hình dung như đang được chứng kiến sự anh dũng, gian khổ của quân và dân ta, trong đó có lực lượng TNXP, góp phần vào chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông kể cho tôi nghe: Tháng 3/1953, ông gia nhập lực lượng TNXP, được biên chế vào Đội 38 Cục Cung cấp (nay thuộc Tổng cục Hậu cần). Là thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tháo vát nên chỉ sau ít ngày nhập ngũ, ông được giao nhiệm vụ tổ trưởng, phụ trách 12 anh em. Đến giữa tháng 3/1954, tổ ông được nhận nhiệm vụ trực tiếp ở chiến trường Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược ra trận địa và tải thương.

Tuy đường xa, phải qua nhiều đèo dốc, sông suối, ông vẫn thường xuyên phải gồng gánh hoặc mang vác 50 – 60 kg quân trang, quân dụng trên vai, hành quân theo đơn vị. Một lần, trong tổ có người yếu mệt, ông đã cùng tổ san sẻ mỗi người một ít, riêng ông đã gánh tới trên 65 kg. Mỗi ngày hai, ba chuyến đi về trên chặng đường gần 3 km, luôn bị máy bay, đại bác địch oanh tạc, nhưng tổ ông vẫn đảm bảo vận chuyển cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu yếu phẩm cho bộ đội trên chiến trường.

Chiến dịch bước sang đợt 3, bắt đầu từ ngày mồng 1/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm cuối cùng của địch. Trận địa diễn ra rất ác liệt. Ông kể: Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Xác định được như thế nên tôi và đồng đội quyết tâm vượt mọi nguy hiểm, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đường vận chuyển từ D1 sang D2 phải vượt qua đoạn đường hào nông giữa ban ngày, máy bay và đại bác địch tập trung bắn dữ dội. Tôi đã có sáng kiến bọc cơm và lương thực vào vải mưa, rồi bọc vải dù ngụy trang bên ngoài, khéo léo bò và kéo gói cơm theo. Anh em trong tổ làm theo, nhờ đó đã vượt qua được lửa đạn dày đặc của địch an toàn, kịp thời đưa cơm và nhu yếu phẩm đến tận tay chiến sĩ.

Ông kể một chuyện nữa: Để ngăn cản công việc tiếp tế của ta, địch tập trung phá hoại đường giao thông. Chúng cho máy bay ném bom các đoạn đường xung yếu, các đèo cao, các bến phà ngày càng ác liệt, hòng cản bước tiến của các đoàn tiếp vận, nhưng không một đêm nào chúng tôi bị lỡ kế hoạch vận chuyển, vẫn đảm bảo kế hoạch tiếp tế cho bộ đội. Giữa rừng khuya vẫn vang lên tiếng hát, câu hò.

Ông đọc cho tôi nghe một câu hò của ai đó sáng tác để động viên kịp thời và ca ngợi tinh thần dũng cảm của các lực lượng vận tải, trong đó có lực lượng TNXP lúc bấy giờ:

Thằng Tây mày có máy bay

Chúng tao dưới đất quyết thắng mày trên không

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, ông được tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” và giấy khen của Bộ Chỉ huy mặt trận.

Năm 1958, ông chuyển ngành về một số nhà máy xí nghiệp. Năm 1972 chuyển về làm việc ở nhà máy Hóa chất Vĩnh Thịnh (Lạng Sơn). Năm 1983 được nghỉ hưu. Nghỉ hưu, ông lại tiếp tục hoạt động và nhiều năm tham gia các hội: người cao tuổi, cựu TNXP. Năm 1998, ông được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Bây giờ cứ đến những “năm tròn”, ông lại được Trung tâm Giáo dục truyền thống lịch sử (thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) mời về Hà Nội tham dự chương trình gặp mặt – giao lưu – tôn vinh “Điện Biên Phủ, thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”. Ông luôn phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” và sống hạnh phúc cùng gia đình, con, cháu; là tấm gương sáng cho lớp trẻ ở địa phương noi theo.

Trương Thọ (Hữu Lũng)