Thứ sáu,  20/09/2024

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn

LSOHôm nay (27/8), Đoàn Giám sát của Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.


Đồng chí Lê Thị Nga,
Ủy viên Trung ương Đảng,
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia đoàn giám sát có đại diện một số bộ, ngành trung ương và đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Về phía tỉnh Lạng Sơn, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em diễn ra trên địa bàn tương đối phức tạp, số vụ không nhiều nhưng xảy ra một số vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Từ năm 2015 – 2019, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 87 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 8 trẻ em bị bạo lực, 45 trẻ em bị xâm hại tình dục, 12 trẻ em bị mua bán, các hình thức gây tổn hại khác là 22 trẻ em. Các vụ xâm hại ở mức độ nghiêm trọng, tính chất hình sự đều bị các cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, truy tố, xét xử theo quy định, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Hiện nay, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh hơn 198 nghìn người, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh chưa rộng khắp, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật chưa đồng đều.

Trong chương trình làm việc, đoàn giám sát đã đặt ra các câu hỏi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh như: công tác tuyên truyền; việc tiếp nhận thông tin tố giác; công tác truy tố, xét xử, tội danh, mức án… Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã giải trình các ý kiến thuộc thẩm quyền mà đoàn giám sát chỉ ra.


Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn mà đoàn giám sát quan tâm, đồng thời tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí trưởng đoàn giám sát bày tỏ: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn, tập quán sinh hoạt của người dân ảnh hưởng đến thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh cần làm tốt công tác dự báo về những tác động có ảnh hưởng, đề ra các giải pháp phòng ngừa sát thực tế của tỉnh, đặc biệt phải rút ra bài học đối với những vụ án xâm hại trẻ em nghiêm trọng.

Đồng chí đề nghị: UBND tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành văn bản lãnh đạo tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong phối hợp, tổ chức thực hiện.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, nhất là tổ chức kiểm tra theo chuyên đề; tích cực hướng dẫn kỹ năng tự vệ cho trẻ em, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục trẻ em; chú trọng tuyên truyền trực quan, thông qua pa nô, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức tiếp nhận thông tin tố giác, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em.

NÔNG ĐÌNH QUANG