Thứ sáu,  20/09/2024

Xung lực mới cho những đột phá trong cải cách kinh tế-xã hội

Những cải cách về kinh tế-xã hội muốn có đột phá thì cần phải có những xung lực mới đến từ những cải cách về thể chế, hiện đại hóa mô hình, phương thức quản trị quốc gia, tổ chức quyền lực nhà nước…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Hội thảo.

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo cấp Bộ với chủ đề “Những vấn đề lý luận hiện đại về nhà nước và pháp luật”. Nhiều vấn đề về tiếp cận khoa học pháp lý hiện đại được đặt ra  tại Hội thảo trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Hội thảo được chia thành 4 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Triết lý, các lý thuyết và các tiếp cận hiện đại về nhà nước và pháp luật; Tiểu ban Những vấn đề lý luận về quản trị nhà nước hiện đại; Tiểu ban Những vấn đề lý luận, các tiếp cận hiện đại của pháp luật trong lĩnh vực luật công và Tiểu ban các tiếp cận hiện đại của pháp luật trong lĩnh vực luật tư.

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới và đây là thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của đất nước. Hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt. Đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa quốc tế. Trong suốt mấy thập kỷ thực hiện đường lối Đổi mới, gần như mọi nguồn lực của xã hội đã được huy động một cách tối đa để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đổi mới trong lĩnh vực kinh tế được coi là mang lại nhiều thành công và mạnh mẽ hơn cả.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, những cải cách về kinh tế-xã hội muốn có đột phá thì cần phải có những xung lực mới. Đó là những xung lực được cho là đến từ những cải cách về thể chế, hiện đại hóa mô hình, phương thức quản trị quốc gia, tổ chức quyền lực nhà nước một cách hợp lý, hiện đại và hiện đại hóa những nhận thức về pháp luật, vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội hiện đại.

Theo đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cải cách thể chế, bộ máy nhà nước, phương thức tổ chức quyền lực và cải cách hệ thống pháp luật nhưng điều rất dễ nhận thấy là những cải cách đó chưa thật sự động bộ, chưa có tính hệ thống và chưa thống nhất trong nhận thức. Nhiều quan niệm, nhận thức lý luận về nhà nước và pháp luật còn xung đột, thiếu tính thống nhất, thiếu tính hiện đại. Có sự xung đột giữa các nguyên tắc, quan niệm mới và cũ mà chưa có những luận giải. Trên phương diện học thuật và đào tạo, cũng hiện hữu nhiều vấn đề, tranh luận trong tiếp cận về lý luận về nhà nước và pháp luật. Thậm chí, có nhiều nhận thức, quan niệm thiếu khách quan, phiến diện, không phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.

Thực tiễn đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu một cách toàn diện, nghiêm túc và có hệ thống những vấn đề lý hiện đại về nhà nước và pháp luật để từ đó có những luận giải, đề xuất những cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện phát triển mới của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh mong muốn rằng, trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu sẽ chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm, cùng nhau luận giải những vấn đề lý luận mới về nhà nước và pháp luật, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội hy vọng, thông qua Hội thảo, các  nhà khoa học, nhà  nghiên cứu sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, sự đam mê, lòng nhiệt huyết vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo và sự phát triển khoa học pháp lý để cùng trao đổi, thảo luận làm rõ, sâu sắc những vấn đề mới dưới góc nhìn khoa học pháp lý cũng như khoa học liên ngành, coi đó là cơ sở phát triển và hoàn thiện các tri thức mới trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật.

Thông qua Hội thảo này, Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) mong muốn tạo diễn đàn học thuật về lý luận nhà nước và pháp luật lớn nhất từ trước tới nay để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận những vấn đề mới, cách tiếp cận mới về lý luận nhà nước và pháp luật vì sự phát triển của luật học của đất nước.

Theo Chinhphu