Thứ sáu,  20/09/2024

Tháng 9 về “châu xưa”

– 81 năm trước, vào ngày 27/9/1940, 600 quân khởi nghĩa dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Cộng sản xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn đã tiến đánh Đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Đã 81 năm trôi qua nhưng dấu son lịch sử ngày khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn được lưu giữ lại qua từng trang sách, từng di tích và những kỷ vật, với niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây.

Dọc theo quốc lộ 1B, chúng tôi tvề thăm mảnh đất cách mạng ghi dấu những chiến công oai hùng của quân và dân Bắc Sơn. Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trong hành trình  là di tích Đồn Mỏ Nhài, nơi trận đánh đầu tiên diễn ra vào ngày 27/9/1940. 81 năm trôi qua, Đồn Mỏ Nhài đã có nhiều đổi khác. Con đường dẫn lên đài chiến thắng được trồng những hàng hoa đầy màu sắc, những bậc thang được xây bằng gạch mới đã thay thế cho con đường đất năm xưa.

Di tích Đồn Mỏ Nhài ngày nay

Ông Dương Đình Duy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Vũ cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, năm 2020, di tích này đã được đầu tư tu bổ, cải tạo, xây dựng một số hạng mục. Chiến thắng ở Đồn Mỏ Nhài ngày ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân xã Hưng Vũ nói riêng và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn nói chung. Vì vậy, người dân luôn ý thức chung tay bảo vệ di tích.

Đi thêm khoảng 16 km đến xã Tân Hương, chúng tôi được cán bộ văn hóa xã dẫn đến thăm di tích Bó Tát, tại thôn Đon Úy – nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn vào ngày 25/9/1936. Nơi “ra đời” của chi bộ đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn hiện lên với vẻ xưa cũ, là nơi lưu giữ lịch sử, nơi tạo ra nền móng cho cả quá trình đấu tranh của quân và dân nơi đây.

Tính cả 2 di tích trên, hiện toàn huyện có 12 điểm di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng năm 2016, phân bố trên địa bàn 6 xã: Long Đống, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Tân Hương, Tân Lập và Vũ Lễ. Qua các điểm di tích, những trang sử vàng về ngày khởi nghĩa hào hùng của 81 năm trước như được tái hiện lại.

Bên cạnh các điểm di tích, lịch sử hào hùng của quân và dân Bắc Sơn còn được lưu giữ lại qua những di vật đang được trưng bày tại bảo tàng. Được biết, tại đây hiện có 810 hiện vật, trong đó có nhiều di vật liên quan đến ngày khởi nghĩa Bắc Sơn được trưng bày, phục vụ du khách tham quan. Anh Nông Văn Thịnh, du khách ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Qua lời kể của thuyết minh viên, qua những di vật về ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, tôi thấy ấn tượng với những chiến công to lớn mà thế hệ trước đã làm nên. Là người con của chiến khu Việt Bắc, tôi càng cảm thấy tự hào hơn.

Là cuộc khởi nghĩa diễn ra trong địa bàn một huyện, song khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, những di tích và kỷ vật về cuộc khởi nghĩa đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân và các thế hệ mai sau. Ông Hoàng Công Tuệ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bắc Sơn cho biết: Nhằm phát huy hiệu quả giá trị lịch sử về khởi nghĩa Bắc Sơn, những năm qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đẩy mạnh  tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và người dân về ngày khởi nghĩa Bắc Sơn… Cùng đó, khuyến khích các đơn vị trường học giáo dục truyền thống qua các giờ học, tổ chức các buổi ngoại khóa, các hoạt động về nguồn cho các em học sinh đến các điểm di tích…

81 năm đi qua, “châu xưa” ngày nay đã có nhiều khởi sắc. Hiện Bắc Sơn có 12 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã an toàn khu; 7/18 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; toàn huyện có 78,8% hộ đạt gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,92%…

Phát huy tinh thần khởi nghĩa Bắc Sơn, ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bắc Sơn luôn lấy đó là động lực để chung sức, đồng lòng, phát huy nội lực, vượt mọi khó khăn để viết tiếp những trang sử mới.

DƯƠNG KIM