Thứ hai,  08/07/2024

Nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu, quyết tâm đưa các quy định vào cuộc sống


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

– Sáng 26/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh…

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt Quy định số 114 – QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”; Quy định số 113 – QĐ/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”.

Theo đó, Quy định số 114 thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 114 gồm 5 chương, 16 điều, quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. Đối tượng áp dụng Quy định 114 là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.

Quy định số 114 nêu rõ cụ thể các hành vi tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ gồm: 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 5 hành vi tiêu cực khác. Quy định số 114 cũng đề cập đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cùng địa phương, cơ quan, đơn vị…

Quy định số 113 gồm 5 điều, quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy cơ sở được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở. Đối tượng áp dụng là đảng ủy cơ sở trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước (trừ đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và đảng ủy cơ sở trong lực lượng vũ trang). Đảng bộ cơ sở có đủ các điều kiện như: có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, hoạt động phạm vi rộng (nhiều tỉnh, thành phố); có từ 400 đảng viên trở lên; là đảng bộ 3 năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xem xét thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở.

Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu phát biểu ý kiến bày tỏ đồng tình cao và thể hiện quyết tâm thực hiện các văn bản quy định mới. Đồng thời, phân tích một số nội dung trong quy định; đề xuất Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để việc triển khai các quy định mới bám sát thực tiễn, đúng quy định.

Phát biểu kết luận, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh một số nội dung quan trọng trong các quy định mới của trung ương. Đồng chí đề nghị cấp ủy đảng các cấp, người đứng đầu các địa phương, đơn vị quán triệt và triển khai nghiêm túc các nội dung của quy định mới; nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu, quyết tâm đưa các quy định vào cuộc sống. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Đồng chí đề nghị, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các địa phương, đơn vị cần kịp thời cụ thể hóa, triển khai đảm bảo sát thực tiễn, đúng quy định; quá trình triển khai có vướng mắc, khó khăn và vấn đề thực tiễn phát sinh, các đơn vị cần báo cáo, phản hồi để Ban Tổ chức Trung ương kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

XUÂN HƯƠNG - DƯƠNG DUYÊN