Thứ năm,  19/09/2024

Chiến công mang tầm chiến lược, thần tốc, táo bạo, bất ngờ

LSO-Giải phóng quần đảo Trường Sa ngay trước thời điểm giải phóng Sài Gòn là chiến công xuất sắc của Quân chủng Hải quân. Chiến công đó khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.


Hải quân Nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh
bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc – Ảnh: Hoàng Minh

Chủ trương sáng suốt, kịp thời

Trước những thắng lợi giòn giã trên chiến trường, đầu năm 1975, Bộ Chính trị họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phối hợp mở hướng tiến công chiến lược trên biển để giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/4/1975, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Đồng thời, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Hải quân: “Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 đánh chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa do ngụy quyền đóng giữ để phối hợp với các hướng tiến công trên bộ trong giai đoạn tiến công trọng điểm vào Sài Gòn”.

Là người chỉ huy phân đội đặc công nổ những phát súng đầu tiên giải phóng đảo Song Tử Tây, mở màn cho cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Ngọc Quế, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc công Hải quân 126 cho biết: Trong điện chỉ đạo của Bộ cho Quân chủng Hải quân đã chỉ rõ: phải “tranh thủ mọi thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo giữ vị trí chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước”. Cho nên Quân chủng đã gấp rút thành lập lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa mang mật danh C75 do AHLLVTND Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 chỉ huy. Công tác chuẩn bị cũng rất khẩn trương. Lực lượng vận tải đổ bộ gồm các tàu: 673, 674, 675, 641 của Đoàn 125. Lực lượng đổ bộ gồm các đơn vị của Đoàn Đặc công Hải quân 126, được tăng cường thêm một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 471 Quân khu 5.

Quân chủng xác định phương châm tác chiến là phải giữ bí mật, bất ngờ, hành động kiên quyết, thần tốc, táo bạo, kết hợp tiến công và gọi hàng, giải phóng đảo nhanh gọn. Ta dùng tàu vận tải quân sự giả dạng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng để chở quân đổ bộ. Quá trình vượt biển, các tàu ngụy trang kín đáo, lấy phòng tránh địch là chính. Lợi dụng đêm tối, đặc công bí mật đổ bộ, luồn sâu, đánh bất ngờ, tiêu diệt gọn; đánh trước một đảo để thăm dò phản ứng của địch, tạo bàn đạp đánh tiếp đảo khác, làm cho địch không kịp đối phó, tăng viện. Sau khi giải phóng, các lực lượng đổ bộ nhanh chóng tổ chức phòng ngự, chốt giữ, bảo vệ, không cho địch phản kích tái chiếm đảo.

Tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ

Ngày 9/4/1975, trong lúc những cánh quân trên bộ của Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công mãnh liệt vào phòng tuyến của quân ngụy ở cửa ngõ Sài Gòn, Bộ Quốc phòng lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Ngọc Quế nhớ lại: Rạng sáng 11/4, biên đội tàu ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng hướng ra Song Tử Tây và đến khoảng 0 giờ ngày 14/4 Tàu 673 đã tiến vào vị trí thả xuồng. Đội 1 Đoàn Đặc công Hải quân 126 dưới sự chỉ huy của tôi, chia làm 3 mũi, dùng xuồng cao su bí mật đổ bộ lên đảo. 4 giờ 30 phút, sau phát súng B41 làm hiệu lệnh hợp đồng, các mũi đặc công ta đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt mục tiêu. Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang chống trả. Sau khoảng 30 phút vừa chiến đấu vừa gọi hàng, quân ta làm chủ toàn bộ đảo. Khi bình minh vừa lên, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên tung bay trên đỉnh cột mốc chủ quyền Tổ quốc ở Song Tử Tây.

Mất Song Tử Tây, lực lượng địch ở các đảo khác trên quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động. Chớp thời cơ có lợi, ngày 21/4, Quân chủng điều 2 tàu: 673, 641, từ Song Tử Tây chở lực lượng đặc công đi giải phóng Sơn Ca. Rạng sáng 25/4, Tàu 641 tiến vào vị trí đổ quân. Các mũi đặc công của ta dưới sự chỉ huy của AHLLVTND Đỗ Viết Cường bí mật đổ bộ lên đảo, nổ súng tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch chỉ chống cự yếu ớt rồi đầu hàng, ta nhanh chóng làm chủ đảo.

Mất tiếp đảo Sơn Ca, cùng lúc trên đất liền địch cũng liên tiếp nhận những thất bại nặng nề, tinh thần quân ngụy ở các đảo: Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa càng suy sụp, có dấu hiệu rút chạy. Nắm bắt thời cơ, đồng thời phát huy khí thế tiến công thần tốc, thừa thắng xốc lên, ta tiếp tục tổ chức lực lượng đổ bộ giải phóng nhanh gọn các đảo còn lại. Ngày 27/4, ta làm chủ Nam Yết. Ngày 28/4, ta làm chủ tiếp đảo Sinh Tồn. 9 giờ 30 ngày 29/4, ta giải phóng đảo Trường Sa, kết thúc thắng lợi nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa-nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng mà Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân.

Chiến công mang tầm chiến lược

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt, Phó Tổng Tham mưu Hải quân khẳng định: Đây là một chiến công mang tầm chiến lược, thể hiện khả năng chớp thời cơ của ta trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bởi quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược, địa chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, là lá chắn phòng thủ từ xa ở phía sườn đông của đất nước.

Đầu năm 1975, ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, có thể rút chạy khỏi quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào. Các thế lực nước ngoài luôn nhòm ngó, sẵn sàng lợi dụng sơ hở xâm chiếm, thậm chí không loại trừ khả năng “thỏa hiệp nước lớn” chiếm đảo của ta. Nếu ta không nắm bắt thời cơ, tiến công giải phóng, thì quần đảo Trường Sa rất có thể sẽ rơi vào tay các thế lực nước ngoài. Và nhờ giải phóng được Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, chúng ta mới có bàn đạp để mở rộng phạm vi đóng giữ ra các đảo và bãi cạn khác, củng cố thế đứng vững chắc của ta trên toàn bộ quần đảo như ngày nay.

Tác chiến đổ bộ đường biển là loại hình tác chiến rất phức tạp mà trước năm 1975, Quân chủng Hải quân chưa có kinh nghiệm và cũng thiếu lực lượng chuyên trách (tàu vận tải đổ bộ và Hải quân đánh bộ). Mặt khác, việc sử dụng Đặc công Hải quân để đổ bộ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa là một nhiệm vụ hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, trong 14 năm vận tải chi viện miền Nam (1961-1975), Quân chủng Hải quân đã xây dựng được lực lượng tàu vận tải quân sự mạnh (Đoàn 125), cán bộ, thủy thủ dày dạn sóng gió, thông thạo chiến trường biển, đảo. Do đó, khi được giao nhiệm vụ chở quân đổ bộ đi giải phóng quần đảo Trường Sa, các tàu của Đoàn 125 đã tổ chức hành quân đúng kế hoạch, ngụy trang tốt, khôn khéo cơ động vòng tránh địch, chọn đúng địa điểm và thời cơ, tạo điều kiện cho đặc công đổ bộ thuận lợi.

Giai đoạn 1966-1975, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân dày công xây dựng Đặc công Hải quân trở thành một lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ. Đặc công Hải quân đã huấn luyện được hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ thiện chiến; đã từng chiến đấu hơn 300 trận ở Đông Hà-Cửa Việt. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ đổ bộ giải phóng quần đảo Trường Sa, Đặc công Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với hiệu suất chiến đấu cao nhất, tổn thất ít nhất. Thắng lợi này cho thấy: Quân chủng Hải quân và các lực lượng phối hợp, hiệp đồng luôn quán triệt, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, quyết tâm tác chiến; đoàn kết, khắc phục khó khăn; biết nắm bắt và triệt để tận dụng thời cơ; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch; táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là bộ đội luôn có ý thức rất cao về chủ quyền và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa là sự tiếp nối huyền hoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” của Đoàn 125-Đoàn tàu Không số và những chiến công “độc đáo, táo bạo” trên chiến trường Bắc Quảng Trị những năm 1966-1973 của Đặc công Hải quân. Chiến công đó một lần nữa minh chứng sự thành công của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng vận tải chiến lược và đặc công nước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

KAO DÂN – HOÀNG MINH