Thứ sáu,  20/09/2024

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, NHIỆM KỲ 2021 – 2026

Ông Trần Sỹ Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ĐBQH khóa XIV tỉnh Lạng Sơn

Là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân; cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Mỗi đại biểu Quốc hội do Nhân dân bầu ra, phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh với Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân không chỉ ở đơn vị bầu ra mình mà còn cho Nhân dân cả nước.

Từ những nhận thức đó, đối chiếu với các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật; cùng với kinh nghiệm đã làm đại biểu Quốc hội khoá XIV, kinh nghiệm nhiều năm công tác ở nhiều vị trí, đơn vị khác nhau, tôi nhận thấy mình có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu Quốc hội. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ nỗ lực hết mình để xứng đáng là người đại diện cho Nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, tôi sẽ gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, nhất quán cùng tập thể lãnh đạo và cử tri tỉnh Lạng Sơn quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2025 đã được Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh Lạng Sơn đề ra, xứng đáng với niềm tin của cử tri.

Lạng Sơn là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, giàu tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, kinh tế tuy phát triển song chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chất lượng giáo dục, y tế, phát triển văn hoá một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, còn chênh lệch giữa các địa bàn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn. Vì vậy, trong Chương trình hành động của mình, tôi nhận thấy cần thiết phải sát cánh cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển các khu vực trong tỉnh.

Hai là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư, cùng với lãnh đạo tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư cho ngành du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, tăng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Ba là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, bám sát các chủ trương, định hướng tại Văn kiện đại hội Đảng XIII để triển khai thực hiện. Kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, chủ động nghiên cứu thực tế của tỉnh Lạng Sơn để kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển. Kiến nghị ưu tiên đầu tư ngân sách cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quan hệ với các cấp chính quyền, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; cải thiện đáng kể môi trường sống của người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh tại cộng đồng dân cư.

Năm là, với trọng trách được Đảng, Nhà nước giao giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước – người đứng đầu ngành Kiểm toán nhà nước, tôi quyết tâm chỉ đạo, xây dựng và phát triển kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tập trung, chú trọng kiểm toán những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm bức xúc như phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản… góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trải qua 5 năm làm ĐBQH khóa XIV, trực tiếp là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, trong đó có 2 năm giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, tôi đã có thời gian quý báu gắn bó mật thiết với Nhân dân và cử tri, qua các buổi tiếp xúc cử tri, các đợt giám sát, tôi thấy gắn bó với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã góp phần nhỏ vào sự ổn định và phát triển của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua. Đồng thời tôi cũng luôn cảm nhận được sự ủng hộ, động viên, khích lệ kịp thời của đồng nghiệp, cán bộ, Nhân dân tỉnh Lạng Sơn trên mỗi bước đường trưởng thành của mình. Giờ đây khi tiếp tục được giới thiệu về ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Lạng Sơn, hơn bao giờ hết, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cử tri để tôi tiếp tục có điều kiện thực hiện những tâm huyết của mình. Tôi xin hứa dù ở bất cứ lĩnh vực công tác nào, tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, tích cực tham gia mọi hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng, lòng mong đợi và sự tín nhiệm của bà con cử tri.