Thứ sáu,  20/09/2024

Thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã: Từng bước khắc phục khó khăn

(LSO) – Có tâm, có tầm và có uy tín là yêu cầu đặt ra khi lựa chọn cán bộ giữ đồng thời 2 chức danh: bí thư đảng ủy – chủ tịch UBND cấp xã. Bởi yêu cầu này và ban đầu việc triển khai mô hình còn tương đối khó khăn, nhưng với cách làm đồng bộ, đúng quy trình, quyết tâm cao mà đến nay, mô hình được thực hiện thuận lợi, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã là một trong những nội dung nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Để đáp ứng được vị trí này thì người được lựa chọn phải đáp ứng đủ 3 yêu cầu: có tâm, có tầm và có uy tín. Ông Nguyễn Văn Toán, Trưởng Phòng Tổ chức – Cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Lựa chọn được người cán bộ đủ 3 tiêu chuẩn trên là tương đối khó bởi từ trước đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã chỉ thực hiện một vị trí là bí thư hoặc chủ tịch UBND.  Mặt khác Lạng Sơn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đây lại là mô hình mới nên chế độ chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho cán bộ tại xã thực hiện mô hình gần như không có. Cùng với đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi nhất thể hóa 2 chức danh này cũng là thách thức không nhỏ.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn (ngoài cùng bên trái) giải quyết công việc tại bộ phận một cửa UBND phường

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cấp ủy đảng làm tốt công tác quán triệt, triển khai rộng rãi nội dung Nghị quyết 18 đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; yêu cầu cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh khi triển khai. Ban Tổ chức Tỉnh ủy  tăng cường trao đổi thông tin, hướng dẫn các thành ủy, huyện ủy thực hiện và tăng cường kiểm tra, nắm tiến độ thực hiện để báo cáo Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, các huyện ủy, thành ủy đã triển khai thực hiện mô hình đúng các quy định, yêu cầu đề ra. Nhiều huyện có cách làm hay để tháo gỡ nút thắt về nhân sự bằng cách rà soát, xây dựng phương án cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức ở xã để từ đó, xem xét những cơ sở nào đủ điều kiện thì lựa chọn triển khai mô hình. Một số huyện, thành phố không lựa chọn được con người tại cơ sở thì tăng cường cán bộ từ huyện về cấp xã làm bí thư – chủ tịch UBND. Đơn cử, qua gần 3 năm thực hiện, thành phố Lạng Sơn có 2/3 cán bộ, huyện Lộc Bình có 2/6 trường hợp được tăng cường từ phòng chuyên môn thành phố và huyện về xã, phường, thị trấn. Ông Lương Trọng Quỳnh, Bí thư Huyện ủy Lộc Bình cho biết: Ban đầu việc triển khai mô hình còn lúng túng, khó lựa chọn cơ sở triển khai và chọn người đảm nhiệm. Huyện ủy đã chỉ đạo rà soát cơ cấu cán bộ, công chức xã nhằm đánh giá đúng trình độ, năng lực của từng người; làm thí điểm tại 1 cơ sở, sau đó mới nhân rộng… Đến nay, từ mô hình thí điểm tại xã Đồng Bục, toàn huyện đã có 6 xã, thị trấn triển khai mô hình bí thư – chủ tịch UBND. Lộc Bình phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 16/29 xã, thị trấn thực hiện xong mô hình này.

Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Bình trao đổi việc liên quan đến thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã

Với cán bộ đảm nhiệm cùng lúc 2 chức danh cũng không khỏi lo lắng khi mới thực hiện nhưng bằng quyết tâm, kinh nghiệm, nỗ lực của bản thân, các cán bộ đảm nhiệm vị trí này đã thực hiện tốt mô hình 2 trong 1. Ông Trần Lệnh Trưởng, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chi Lăng là phường trọng điểm của thành phố và của tỉnh với dân số đông, trên 17.000 người, còn nhiều khó khăn, phức tạp về trật tự đô thị, quản lý đất đai… Khi mới giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường, tôi khá lo lắng bởi khối lượng công việc nhiều hơn, bản thân liệu có làm tốt được cùng lúc 2 vai không. Tuy nhiên, do áp dụng tốt kỹ năng, kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm thực tiễn và sắp xếp công việc một cách khoa học, làm việc công khai, dân chủ nên đến nay, sau 1 năm đảm trách, tôi đã làm tốt cùng lúc vai trò là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền phường.

Hiện, toàn tỉnh có 31 xã, phường, thị trấn tại 11 huyện, thành phố đã thực hiện thành công mô hình bí thư – chủ tịch UBND, tăng 18 đơn vị so với cuối năm 2018. Lạng Sơn phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 75/226 xã, phường, thị trấn thực hiện xong mô hình. Điều này có thể thấy, mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã đang được triển khai thuận lợi, phù hợp và đem lại hiệu quả ở Lạng Sơn.

MINH ĐỨC