Thứ bảy,  21/09/2024

Quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ

LSO-Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành triển khai nghiêm túc chỉ thị. Qua đó làm rõ các chặng đường lịch sử, tổng kết thực tiễn, đúc rút bài học kinh nghiệm phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đơn vị, địa phương.
Tọa đàm thông qua bản thảo lần 2 cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã Lợi Bác, xã Xuân Dương (1930 – 2015)

Đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 14 –CT/TU, ngày 31/8/2011 về “tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống giai đoạn 2011- 2015”. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử; tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy các cấp hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống.

Theo đó, ban tuyên giáo các cấp tích cực tham mưu, tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt và đội ngũ những người làm công tác lịch sử ở địa phương. Qua đây, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quá trình triển khai đã thu hút được đông đảo các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử đóng góp, bổ sung tư liệu, sự kiện có giá trị, làm rõ hơn những vấn đề lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Một số cấp ủy cấp huyện, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn, lịch sử truyền thống cách mạng; coi việc hoàn thành nhiệm vụ này là tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của địa phương, đơn vị.

Từ năm 2002 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện uỷ, thành uỷ, các ngành đã biên soạn, xuất bản được 128 đầu sách về lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống; trong đó, cấp tỉnh 5 cuốn; lịch sử đảng bộ, thành phố 15 cuốn; lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn 54 cuốn; lịch sử truyền thống 54 cuốn. Cùng với đó, toàn tỉnh có 29 đầu sách về lịch sử truyền thống của các cơ quan công an, quân sự cấp tỉnh, huyện; 11/11 huyện, thành phố đã biên soạn xong lịch sử đảng bộ hai thời kỳ 1930 – 1954 và 1955 – 1985; 8/11 huyện, thành phố đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện thời kỳ đổi mới, giai đoạn 1986 – 2005 và 2010.

Các ấn phẩm sách lịch sử được xuất bản đều đảm bảo yêu cầu, chất lượng, phản ánh được những nét chính, nội dung cơ bản quá trình ra đời, phát triển và hoạt động của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng tiềm lực quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Quá trình thực hiện có các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn thực hiện tốt việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Đồng chí Bùi Vinh Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Sơn cho biết: Mặc dù khó khăn về kinh phí nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để làm tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng. Đến nay, huyện có 10/20 xã, thị trấn hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ, giai đoạn từ 1930 – 2010, 2 cuốn lịch sử đảng bộ sắp hoàn thành; xuất bản 2 kỷ yếu của cơ quan, đơn vị. Từ nay đến hết năm 2020, huyện phấn đấu hoàn thành 13 cuốn lịch sử đảng bộ xã, 2 cuốn lịch sử truyền thống của ngành.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, ngày 5/1/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 112-KL/TU, đề ra nhiệm vụ, trong đó phấn đấu đến năm 2020, các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị – xã hội của tỉnh, lực lượng vũ trang và các huyện, thành phố nghiên cứu, biên soạn xong lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống thời kỳ đổi mới; các huyện, thành phố cơ bản nghiên cứu, biên soạn xong lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn.

PHÙNG KHIÊM