Thứ sáu,  20/09/2024

Cần làm tốt công tác đối ngoại và xây dựng được vùng chuyên canh cây nông, lâm nghiệp

LSO- Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Nguyễn Duy Sinh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; nguyên Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh tập trung đóng góp ý kiến vào phần đánh giá: Kinh tế có bước phát triển mới trên một số lĩnh vực quan trọng.

 
Ông Nguyễn Duy Sinh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế của
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; nguyên Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh

Theo đó, ông Nguyễn Duy Sinh nhất trí với những đánh giá mà dự thảo báo cáo chính trị đưa ra, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7,8%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp tăng 2,61%; công nghiệp – xây dựng tăng 13,85%; dịch vụ tăng 7,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngành nông – lâm nghiệp chiếm 19,92%; công nghiệp – xây dựng chiếm 23,73%; dịch vụ chiếm 51,92%. DRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,5 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Ông Nguyễn Duy Sinh cũng đồng tình với khẳng định: Kinh tế cửa khẩu tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu hút được nhiều dự án quy mô lớn. Tập trung hoàn thiện hệ thống quy hoạch các khu chức năng thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi để xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn giúp tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu  bình quân hằng năm tăng 6,1%.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, nội dung trên cần xem xét, bổ sung  công tác chỉ đạo, phối hợp bởi công tác này còn khá lúng túng. Cụ thể là kế hoạch bàn bạc với các cơ quan chức năng phía nước bạn của tỉnh chưa đi vào quy hoạch hằng năm mà thường bị động hoặc phía ta chưa đưa ra phương án để bàn bạc, định sẵn chi tiết từng kỳ và từng năm. Điều đó gây nên tình trạng nhiều năm nay là: cứ đến thời vụ là hàng hóa nông sản xuất khẩu lại ùn ứ tại một số cửa khẩu. Vì thế, tỉnh cần chủ động hơn trong công tác đối ngoại để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Cùng với đó, nếu chúng ta không có chương trình xuất khẩu gắn với quản lý sản xuất thì sẽ thường xuyên bị động về sự thay đổi trong cạnh tranh của các đối tác.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Nguyễn Duy Sinh nhất trí với toàn bộ nội dung mà dự thảo báo cáo chính trị đề ra. Ông đề xuất một số nội dung đó là: Lạng Sơn nên có các vùng chuyên canh phát triển nông, lâm nghiệp đem lại năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được vùng na Chi Lăng; hồng Bảo Lâm; quýt Bắc Sơn; hồi Văn Quan…; những vùng đó thực tế mới chỉ là sơ khai nhưng đã hiệu quả kinh tế đem lại đáng kể trong mấy năm qua. Nếu chúng ta có chiến lược dài hơi và đầu tư thỏa đáng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Do vậy, tỉnh phải đầu tư quy hoạch các vùng và tiểu vùng sản xuất phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng, tạo ra những vệ tinh cho các khu vực sản xuất lớn. Đấy sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng sản xuất và cũng là vùng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, việc xây dựng vùng sản xuất và vệ tinh xung quanh sẽ góp phần phát triển kinh tế và du lịch trên địa bàn, tạo nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương.

HOÀNG HUẤN