Thứ sáu,  20/09/2024

Du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

(LSO) – Những năm qua, du lịch Lạng Sơn đang từng bước phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh.

   Thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng

Đã có nhiều dịp tới Lạng Sơn, nhưng chị Trần Thị Dung, du khách đến từ Phú Thọ rất ít khi nghỉ lại qua đêm. Đa phần, chị chỉ tới một số địa điểm tâm linh, đi lễ hoặc có khi ghé qua chợ Đông Kinh mua một số đồ dùng rồi về. Khi được hỏi về lý do không nghỉ đêm tại Lạng Sơn, chị cho biết: Nhiều lần mình muốn đưa các con đến Lạng Sơn chơi vài ngày, nhưng chẳng biết đi đâu, những địa điểm vui chơi như trung tâm thương mại hay chợ thì chỗ nào cũng như nhau cả, nên đa phần mình chỉ đi trong ngày rồi về.

Chị Dung chỉ là một trong rất nhiều trường hợp du khách tới Lạng Sơn nhưng không lưu trú lại. Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian lưu trú của du khách tại Lạng Sơn không vượt quá 2 ngày, nhất là đối với khách Quốc tế, chỉ dừng lại ở 1 ngày. Điều này cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng để hấp dẫn du khách.

Khách du lịch tham quan, chụp ảnh các gian hàng triển lãm tại Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn 2019

Hầu như du khách biết đến Lạng Sơn với một vài điểm tham quan như: Khu du lịch Mẫu Sơn, danh thắng Nhị – Tam Thanh, Thành Nhà Mạc; chợ cửa khẩu Tân Thanh… và một vài điểm đến tâm linh khác. Đáng chú ý, nhiều du khách khi đến Lạng Sơn tham quan đã tỏ ra thất vọng, cho rằng sản phẩm du lịch họ được phục vụ đơn điệu, thậm chí là nhàm chán. Ngay như sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Xứ Lạng – một trong những kênh để quảng bá cũng như mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành du lịch của tỉnh  hiện nay vẫn rất đơn điệu về mẫu mã, chất liệu và chủng loại. Nhiều sản phẩm còn thiếu bản sắc và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đáng nói, tại một số điểm du lịch lịch sử, nhiều du khách bày tỏ, họ được phục vụ tận tình, song những bài giới thiệu của hướng dẫn viên không hấp dẫn.

Tiến Sỹ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: Sản phẩm du lịch được cấu thành từ 5 yếu tố: thực (ẩm thực) – trú (lưu trú) – hành (lữ hành) – lạc (địa điểm vui chơi, giải trí)  – y (y phục, sản phẩm lưu niệm đặc trưng). Tuy nhiên, hiện nay Lạng Sơn vẫn còn thiếu 2 yếu tố là“Lạc” và “Y”. Điều này giải thích tại sao du khách đến đi chùa, đi chợ rồi về.

   Chưa đủ sức hút “giữ chân” du khách

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế về địa lý và giao thông, nằm ở vị trí quan trọng vùng Đông Bắc Tổ quốc với hơn 230 km đường biên giới, có nhiều cửa khẩu, chợ biên giới… Xứ Lạng cũng là địa phương có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và đa dạng với 600 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh và 340 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Hiện, tỉnh có 205 cơ sở lưu trú phục vụ du khách (trong đó có 45 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao).

Biểu đồ lưu trú của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (đơn vị: ngày)

Từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh, chưa kể đến hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác, trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho du lịch. Đặc biệt, để phát huy giá trị, tài nguyên du lịch của tỉnh, Sở VHTTDL, thành viên thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan (hoa đào); du lịch cộng đồng, du lịch biên giới… Các sản phẩm du lịch bước đầu đã tạo dấu ấn trong lòng du khách gần xa, tuy nhiên chưa đủ hấp dẫn để “giữ chân” du khách.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, lượng khách du lịch trung và thượng lưu ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất cần phải cải thiện tương ứng cả về lượng và chất, tuy nhiên, thực tế, số lượng khách sạn cao cấp, chất lượng dịch vụ phụ trợ, an ninh, môi trường… của Lạng Sơn vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu này, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch.

Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, hạ tầng du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đơn cử như lượng khách du lịch tới Lạng Sơn tăng đột biến vào dịp Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ năm 2019, thời điểm này, số khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách, nhiều du khách phải ngủ lại trên xe để hôm sau tiếp tục hành trình trải nghiệm của mình. Gần đây nhất, liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2019 đã xảy ra hiện tượng tắc đường cục bộ 4 km và lực lượng chức năng phải mất 5 giờ đồng hồ thông đường, nhiều du khách ngoại tỉnh tiếc nuối khi lên tới chân núi đã giữa trưa thì bị tắc, cấm đường.

Có thể thấy rằng, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa khai thác hiệu quả, tỉnh cần có các giải pháp cụ thể hơn nữa để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đây cũng chính là ý kiến của phần lớn các đại biểu tại hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Lạng Sơn (tháng 10/2018).

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du Lịch Việt Nam cho rằng: Trong thời gian tới, Lạng Sơn cần gắn phát triển thương mại biên mậu với du lịch, phát huy lợi thế sẵn có từ những di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, đặc sản riêng có, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, du lịch Lạng Sơn phải có nét riêng, tạo thế cạnh tranh khác biệt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng du lịch, nhất là khách sạn, các khu vui chơi, giải trí…

Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 28/12/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu rõ: mục tiêu phát triển du lịch của Lạng Sơn đến năm 2020 là đón 3,7 triệu lượt khách. Trong khi tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trong 5 năm qua (2014 -2018) chỉ đạt 0,12 triệu lượt khách/năm (năm 2014 đạt 2,3 triệu lượt khách du lịch; năm 2018 đạt 2,8 triệu lượt). Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là 2,9 triệu lượt khách.

NHÓM PV