Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng

(LSO) – Du lịch sinh thái đang là lựa chọn của nhiều du khách khi tới Lạng Sơn. Nắm bắt tâm lý đó, một số hộ gia đình đã mạnh dạn cải tạo các điều kiện sẵn có để phát triển du lịch. Nhờ đó, không những giúp tăng thu nhập cho bản thân họ mà còn tạo nguồn thu cho người dân địa phương.

   Khi nông dân làm du lịch

Vào những ngày nắng nóng đầu tháng 7/2019, tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, thôn Hoan Trung 1 (xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn) đã có rất đông khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng. Anh Dương Công Hành, chủ hộ gia đình trực tiếp quản lý điểm du lịch chia sẻ: Tôi là nông dân, tận dụng tài nguyên địa phương để khai thác du lịch. Ban đầu khai thác nhỏ, khách đến cứ tuyên truyền dần, rồi có đoàn khách trong Nghệ An, Thanh Hóa cũng đến thăm quan.

Hiện, điểm du lịch đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Được biết, trên địa bàn xã Chiến Thắng còn có một điểm du lịch sinh thái nữa cũng thu hút đông du khách là vườn quýt Hang Hú. Số lượt khách du lịch đến 2 điểm du lịch sinh thái này trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 12.020 lượt (chiếm gần 30% số lượt khách du lịch đến huyện Bắc Sơn).

Toàn cảnh khu du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, huyện Bắc Sơn

Ngoài Bắc Sơn, Khu du lịch Mẫu Sơn (Lộc Bình) cũng đang là địa điểm thu hút đông khách du lịch.  Hiện nay, tại khu du lịch này có 7 hộ gia đình làm du lịch là người bản địa, họ chủ động cải tạo các điều kiện sẵn có để thu hút khách du lịch, như: trồng hoa cẩm tú cầu và nhiều loại cây leo cải thiện cảnh quan; nhân giống, nuôi cá hồi, gà 6 ngón; liên kết với các hộ gia đình người Dao cung cấp các sản phẩm: rượu men lá Mẫu Sơn, mật ong, chanh rừng…

Thực tế, du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng đã đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực. Đặc biệt, nơi nào có sự tham gia trực tiếp của nông dân trong các hoạt động du lịch đều tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Những mô hình du lịch này đã góp phần không nhỏ vào  việc giảm tính mùa vụ trong du lịch, thu hút khách du lịch đến Lạng Sơn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 1.752.900 lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó, khách quốc tế đạt 211.400 lượt, khách nội địa đạt 1.541.500 lượt), doanh thu xã hội ước đạt 822 tỷ đồng, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2018.

   Tiếp tục nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái tại Lạng Sơn đã và đang phát triển, các khu điểm du lịch sinh thái được chú trọng, kêu gọi đầu tư như: Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn, điểm du lịch sinh thái thác Đăng Mò (Bình Gia), Bản Khiếng (Lộc Bình), thác Soong Cau (thành phố Lạng Sơn)… Cùng đó, ngành du lịch đã thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái tự phát nhưng có tiềm năng tại các địa phương như: vườn hoa, suối Mỏ Mắm, rừng quýt tại huyện Bắc Sơn. Đặc biệt quan tâm đầu tư các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên (Hữu Lũng); các xã: Quỳnh Sơn, Vũ Lăng (Bắc Sơn); xã Mông Ân (Bình Gia)…

Khách du lịch tham quan và chụp ảnh tại đồi hoa cẩm tú cầu trong Liên hoan du lịch Mẫu Sơn 2019

Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển du lịch sinh thái là tất yếu và chắc chắn ngày càng được mở rộng tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch sinh thái ở Lạng Sơn hiện phần nhiều vẫn mang tính tự phát. Hệ thống các dịch vụ đi kèm phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn, uống, nhất là hệ thống phòng nghỉ vấn còn thiếu và yếu…

Thiết nghĩ, để phát triển du lịch sinh thái mang tính bền vững, tỉnh cần tiếp tục phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và đào tạo về lĩnh vực du lịch sinh thái cho các nhà phát triển và tham gia vào du lịch, bao gồm các nhà chức trách địa phương, hướng dẫn du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch; tăng cường sự tham gia của người dân địa phương sinh sống trong và gần các điểm du lịch sinh thái vào quá trình lập kế hoạch và quản lý du lịch. …

TUYẾT MAI