Thứ sáu,  20/09/2024

Liên kết, hợp tác phát huy giá trị những miền di sản Việt Bắc

(LSO) – Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại tỉnh Hà Giang, đến nay, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã thực sự có những bước phát triển mạnh mẽ về nội dung hợp tác cũng như số lượng  thành viên. Chương trình đã trở thành động lực thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng.

   Hiệu quả hợp tác phát triển du lịch

Tháng 8/2009, tại Hà Giang, lãnh đạo các tỉnh: Cao Bằng –  Bắc Kạn –  Hà Giang – Tuyên Quang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, hiệu quả và cùng có lợi”. Sự liên kết đó được hiện thực hóa bằng những hoạt động văn hóa, du lịch chung tại tỉnh Hà Giang năm 2009 mang tên Chương trình du lịch “Qua những miền di sản”. Năm 2010, hai tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên đề xuất tham gia vào những hoạt động chung của chương trình. Để phù hợp với sự thay đổi này, chương trình du lịch “Qua những miền di sản” 6 tỉnh: Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn – Thái Nguyên –  Tuyên Quang – Hà Giang được đổi tên thành Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”.

Khách du lịch tham dự Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn năm 2019 – sự kiện có khách mời của 5 tỉnh trong khu vực Việt Bắc

Theo đó, xúc tiến quảng bá du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc. Hằng năm, các tỉnh luân phiên đăng cai tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo ấn tượng với du khách về sự hấp dẫn của du lịch Việt Bắc, thu hút sự quan tâm của các công ty lữ hành, các nhà đầu tư du lịch.

Thông qua chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, các tỉnh đã xây dựng ấn phẩm, quảng bá du lịch; thường xuyên tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin của tỉnh, trên mạng Internet và các website. Từ năm 2010 đến nay, các tỉnh đã xây dựng và phát hành trên 6.000 tập gấp bản đồ du lịch Việt Bắc; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm du lịch với mục đích lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý du lịch, các công ty lữ hành, các nhà đầu tư tìm giải pháp tối ưu khai thác, phát triển hiệu quả du lịch vùng Việt Bắc.

Đặc biệt, thông qua các sự kiện du lịch, chương trình khảo sát do sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã tập trung quảng bá xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội, đặc thù có thương hiệu của 6 địa phương như: Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang); khu di tích lịch sử Tân Trào, thủy điện Na Hang (Tuyên Quang); hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Dốc, khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), hồ núi Cốc, ATK Định Hóa (Thái Nguyên); khu du lịch Mẫu Sơn, du lịch cửa khẩu (Lạng Sơn)…

Cùng với sự phát triển các khu, điểm du lịch kéo theo sự phát triển của hạ tầng du lịch. Đường giao thông nối liền các tuyến du lịch liên vùng đã được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới như: quốc lộ 3 Thái Nguyên – Bắc Kạn, quốc lộ 4 Cao Bằng – Lạng Sơn, quốc lộ 279 Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Kạn – Tuyên Quang – Hà Giang…

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch giữa 6 tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, điển hình như các dự án: Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của các tỉnh đến 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), khu du lịch quốc gia Tân Trào (Tuyên Quang), Quy hoạch xây dựng khu du lịch Ba Bể (Bắc Kạn); khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng)… Nhiều dự án đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú cao cấp trên địa bàn các tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Saigon tourist,…

   Cơ hội cho du lịch Lạng Sơn

Là một trong những thành viên tham gia Chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tham gia vào các sự kiện hội nghị, hội thảo, những sự kiện quảng bá du lịch được tổ chức tại 6 tỉnh Việt Bắc. Ngành du lịch tỉnh cũng thường xuyên hỗ trợ các tỉnh Việt Bắc đăng tải thông tin du lịch trên các website, các trang fanpage về du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Tạo điều kiện cho các hãng lữ hành của 6 tỉnh Việt Bắc tổ chức những đoàn Famtrip tìm hiểu về những địa danh du lịch tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời, mời các tỉnh bạn trong vùng tham gia vào các sự kiện du lịch lớn của tỉnh như: Lễ hội Hoa Đào; Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn…

Thông qua những chương trình khảo sát, hợp tác, phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, sự hỗ trợ giúp đỡ của Tổng cục Du lịch, sự quan tâm của tỉnh, nhiều sản phẩm du lịch mới của Lạng Sơn đã hình thành như: du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, Vũ Lăng  (Bắc Sơn); du lịch cộng đồng Hữu Liên (Hữu Lũng), du lịch sinh thái thác Đăng Mò (Bình Gia), thác Bản Khiếng (Lộc Bình), vườn quýt Hang Hú, suối Mỏ Mắm (Bắc Sơn)… Các sản phẩm du lịch này thu hút hàng trăm doanh nghiệp du lịch trong nước xây dựng tour tới tỉnh Lạng Sơn và các tour, tuyến kết nối với 6 tỉnh Việt Bắc; trong đó có nhiều công ty lữ hành lớn, uy tín trong nước như: Saigon tourist; Vietravel; Công ty Lữ hành Hanoitourist… Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng lượng khách giai đoạn 2013 – 2018 là 5,3%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Lạng Sơn đã đón trên 2,2 triệu lượt khách (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018).

Sau lần đầu tiên đăng cai tổ chức chương trình vào năm 2013, năm 2019, chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XI lại được “quay vòng” đến với tỉnh Lạng Sơn. Chương trình diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5/11/2019 , lễ khai mạc được tổ chức vào tối 4/11/2019 tại quảng trường Hùng Vương (thành phố Lạng Sơn) với chương trình nghệ thuật đặc sắc do 6 tỉnh phối hợp thực hiện. Trong khuôn khổ của chương trình sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, hoạt động trưng bày, quảng bá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, thi đấu một số môn thể thao dân tộc… Để chương trình được tổ chức với chất lượng cao nhất, trước thời điểm diễn ra sự kiện 2 tháng, tỉnh Lạng Sơn đã mời các tỉnh còn lại tham gia góp ý hoàn thiện kịch bản tổng thể chương trình, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Trong thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục tiến hành một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác du lịch với các tỉnh Việt Bắc trên tinh thần các bên cùng có lợi; tổ chức các hoạt động liên kết có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu, điểm du lịch; triển khai hiệu quả các chương trình: tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết; điều phối tuyến du lịch từ Lạng Sơn đến các tỉnh, thành phố liên kết và ngược lại…

TUYẾT MAI