Thứ sáu,  20/09/2024

Nghiên cứu nuôi thử nghiệm ếch hương sinh sản và ếch thương phẩm: Bảo tồn nguồn gen quý

(LSO) – Nguồn ếch hương trong tự nhiên tại vùng núi Mẫu Sơn hiện nay còn rất ít. Ngoài biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và phát triển thì khai thác quá mức đã khiến loài này cạn kiệt. Chính vì vậy, cần thiết phải có công trình nghiên cứu để định danh cũng như tìm ra phương pháp phát triển loài này.

Ếch hương là một trong những loài động vật lưỡng cư quý hiếm. Loài ếch này có nhiều tên gọi khác như: ếch vương, ếch công nương, tồng keng. Ếch hương Mẫu Sơn có trọng lượng khoảng 200 – 400 gram/con, màu da có sự pha trộn giữa màu của núi và cánh gián nên sẫm hơn các loại ếch khác. Với hệ xương chắc chắn và tính đàn hồi cao loài ếch này có khả năng nhảy từ trên cao xuống 30 m để tìm kiếm thức ăn và né tránh kẻ săn mồi. Tại một số tỉnh phía Bắc hiện mới chỉ phát hiện loài ếch này sống ở vùng núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn.

Ếch hương sinh trưởng và phát triển khá tốt trong điều kiện nuôi nhốt

Thịt ếch hương có màu trắng, vị ngọt nhẹ thanh, bùi, thơm, không tanh như những loại ếch khác. Chính vì vậy, ếch hương được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Đặc biệt, ếch hương có nhiều dưỡng chất quý được kết hợp với loại thảo dược dùng làm thuốc. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và một phần bị săn bắt nhiều nên số lượng ếch hương Mẫu Sơn đã giảm đáng kể.

Anh Nông Đại Thế, Phó trưởng Phòng Chẩn đoán xét nghiệm Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trước đây, trên đỉnh núi Mẫu Sơn đã có một số hộ dân bắt ếch hương ngoài tự nhiên về nuôi thử nhưng không thành công. Nhận thấy việc nuôi ếch hương sinh sản vừa góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của địa phương, vừa có thể phát triển với số lượng lớn cung cấp ếch thương phẩm cho thị trường là việc làm hết sức cấp thiết, từ tháng 8/2018, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu nuôi thử nghiệm ếch hương sinh sản và ếch hương thương phẩm tại Mẫu Sơn.

Ếch hương chỉ phù hợp với môi trường ẩm ướt dọc các khe suối, khí hậu lạnh khoảng 15oC, nếu nhiệt độ quá 30oC, ếch sẽ chết. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi thử nghiệm tại đỉnh Mẫu Sơn. Theo đó, nhóm tiến hành cải tạo bể nuôi cá hồi của hộ dân trong khu vực thành bể nuôi ếch. 180 cặp ếch, trong đó một nửa được nuôi theo hướng sinh sản, phần còn lại theo hướng thương phẩm.

Cùng với việc nuôi thử nghiệm nhóm nghiên cứu còn khảo sát địa điểm, phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật định danh loài ếch hương, nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện sinh trưởng, phát triển của ếch hương sinh sống tại khu vực Mẫu Sơn. Từ đó, xây dựng quy trình nuôi ếch hương sinh sản và ếch hương thương phẩm. Cùng đó, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ếch.

Anh Nông Đại Thế cho biết: Ếch hương thích ăn các loài côn trùng còn sống, do mũi rất thính nên chúng có thể ăn cả thức ăn tĩnh có mùi thơm. Vì vậy, ngoài thức ăn là côn trùng có trong tự nhiên có thể cho ếch ăn các loại thức ăn chế biến sẵn. Do nuôi ngay tại môi trường sinh trưởng tự nhiên nên số lượng ếch hương nuôi thử nghiệm đều phát triển ổn định, thích nghi với môi trường nuôi nhốt. 45 cặp nuôi theo hướng sinh sản đã đẻ trứng lứa thứ nhất, tuy nhiên, số trứng nở còn hạn chế. Nhóm đang nghiên cứu nhằm tăng tỷ lệ trứng nở trong những lứa tiếp theo.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 12/6/2019, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra rằng: Tỉnh Lạng Sơn cần ưu tiên nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài ếch hương Mẫu Sơn quý hiếm. Nếu làm tốt không chỉ góp phần làm tăng số lượng ếch tự nhiên mà còn bảo tồn nguồn gen, mở ra cho người dân sinh sống trên núi Mẫu Sơn hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Với giá từ 300.000 đồng – 700.000/kg, nếu nghiên cứu thành công phương pháp chăn nuôi trong môi trường nhân tạo thì đây có thể là hướng làm giàu cho người dân núi Mẫu.

THỤC QUYÊN