Thứ sáu,  20/09/2024

Phần mềm tin học và cơ sở dữ liệu: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý người nghiện ma túy

(LSO) – Phần mềm tin học và cơ sở dữ liệu tích hợp 85 thông tin cơ bản về đối tượng nghiện ma túy đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đối với người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, đồng thời là cơ sở tham mưu xây dựng chính sách đối với người nghiện ma túy và đảm bản an ninh an toàn quốc gia.

Trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm về ma túy tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; việc sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng, người nghiện ngày càng trẻ hóa và có xu hướng lan đến các vùng nông thôn, miền núi. Theo thống kê từ công an các huyện, thành phố, trung tâm cai nghiện, tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 2.000 người nghiện ma túy. Do cơ sở vật chất, trang thiết bị về thông tin còn hạn chế, mỗi đơn vị thống kê lại có chỉ tiêu thông tin khác nhau nên hệ thống thông tin này chưa được tập hợp đầy đủ, có hệ thống. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu cần có một hệ thống quản lý dữ liệu về người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Thượng tá Lâm Tiến Hùng tra cứu thông tin trên phần mền quản lý đối tượng nghiện ma túy

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, tháng 1/2018, Phòng Hồ sơ thành lập tổ nghiên cứu với 8 kỹ sư công nghệ thực hiện dự án “Xây dựng phần mềm tin học và cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Thượng tá Lâm Tiến Hùng, Phó trưởng Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh (chủ nhiệm đề tài) cho biết: Cái khó khi triển khai dự án là trên địa bàn cả nước chưa có bất cứ địa phương nào thực hiện, tài liệu tham khảo không nhiều nên chúng tôi phải tự học hỏi, tham khảo qua mạng internet, nghiên cứu tài liệu nước ngoài… Đặc biệt, công tác thu thập thông tin, dữ liệu về người nghiện vô cùng khó khăn. Chúng tôi mất 8 tháng để thu thập thông tin cơ bản của từng người nghiện ma túy từ công an các huyện, thành phố, trung tâm cai nghiện, trại tạm giam… trên địa bàn tỉnh.

Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thực tế công tác thống kê, quản lý đối tượng nghiện ma túy tại các phòng chuyên môn và công an các huyện, thành phố. Từ đó, đặt ra những vấn đề trọng tâm cần giải quyết, đưa ra giải pháp, tính khả thi của từng giải pháp. Sau đó, chọn ra những yếu tố cần thiết để cấu thành hệ thống thông tin dữ liệu, hoàn thành phần mềm và cài đặt các cơ sở dữ liệu.

Đến tháng 6/2019, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành dự án “Xây dựng phần mềm tin học và cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Phần mềm được kết nối thông qua mạng nội bộ Công an tỉnh nhằm bảo mật thông tin. Đồng thời những cán bộ liên quan được tập huấn, hướng dẫn khai thác, sử dụng.

Phần mềm tin học và cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được xây dựng với nhiều cửa sổ tạo thuận lợi cho người dùng khai thác dữ liệu, nhập thông tin về người nghiện mới. Hiện cơ sở dữ liệu đang quản lý 3.000 người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Mỗi đối tượng có hồ sơ riêng với 85 thông tin cơ bản như: quê quán, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, ngày sử dụng ma túy đầu tiên, số lần sử dụng ma túy trong ngày, số lần vi phạm pháp luật, tội danh, án phạt, nhóm máu, nhân thân… Bên cạnh hồ sơ từng cá nhân, phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu liên quan như: tỷ lệ người dân tộc thiểu số nghiện ma túy, xếp hạng địa bàn có số người nghiện cao hay thấp, độ tuổi, trình độ, tỷ lệ phạm tội…

Thượng tá Lâm Tiến Hùng cho biết thêm: Cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng nghiện ma túy có thể phục vụ cho các ngành tư pháp; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo… Dự án “Xây dựng phần mềm tin học và cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” mới chỉ dừng lại ở việc thiết lập cơ sở dữ liệu đối với người nghiện, nhóm đang đề xuất mở rộng dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đối tượng nghi nghiện, sử dụng methadone và các loại ma túy tổng hợp.

HOÀNG VƯƠNG