Thứ sáu,  20/09/2024

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng sa nhân tím: Giải quyết bài toán về giống

(LSO) – Sa nhân là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên những năm gần đây, do không có nguồn giống nên cây trong tự nhiên bị khai thác cạn kiệt. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu Chi cục Kiểm lâm đã nghiên cứu phương pháp nhân giống và quy trình trồng, chăm sóc sa nhân tím cho hiệu quả cao để phổ biến rộng rãi cho người dân.

Sa nhân tím là loài cây mọc hoang dã. Những năm gần đây, giá thu mua quả sa nhân cao nên người dân đã có ý thức trồng cây sa nhân, tuy nhiên, diện tích trồng manh mún, nguồn giống được khai thác từ rừng tự nhiên nên số lượng ít, không chủ động. Điều này dẫn đến cạn kiệt nguồn cây giống tự nhiên.

Nhằm giải quyết khó khăn về giống trong phát triển cây sa nhân tím, tháng 7/2018, nhóm nghiên cứu do ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm triển khai đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng sa nhân tím tại tỉnh Lạng Sơn.

Quả sa nhân tím của nông dân xã Bắc Xa, huyện Đình Lập

Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra, khảo sát trên địa bàn các xã: Kiên Mộc, Bắc Xa, Thái Bình, huyện Đình Lập. Qua điều tra, nhóm phát hiện huyện Đình Lập có 2 loài sa nhân: sa nhân tím và sa nhân trắng. Trong đó, loài sa nhân tím chủ yếu tập trung tại xã: Kiên Mộc, Bắc Xa cho giá trị kinh tế cao.

Chị Nguyễn Thùy Linh, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng,  Chi cục Kiểm lâm, thư ký đề tài cho biết: Chúng tôi đã tiến hành thu thập cây giống từ môi trường tự nhiên tại xã Kiên Mộc. Sau đó tiến hành nhân giống bằng 2 phương pháp: tách chồi và nuôi cấy mô. Cùng đó, xây dựng 4 mô hình trồng cây sa nhân tím với 2.200 cây tách chồi, 2.200 cây nuôi cấy mô. Cây con giống được trồng thử nghiệm tại vườn ươm và dưới tán rừng tại huyện Đình Lập.

Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng bằng phương pháp tách chồi, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống trên 90%, đặc biệt 95% số cây mọc từ 1 đến 4 chồi. Cây sa nhân trồng dưới tán rừng tuy phát triển tốt nhưng thường bị chuột ăn mất quả, trâu bò phá hoại. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu thí điểm trồng trong nhà lưới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình này, cây phát triển bình thường, tỷ lệ sống đạt 86%, tỷ lệ ra chồi đạt khá. Tuy nhiên, 2 mô hình trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây sinh trưởng và phát triển kém.

Chị Nguyễn Thùy Linh cho biết thêm: Mục tiêu của chúng tôi là nghiên cứu phương pháp nhân giống và xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây sa nhân tím. Sau hơn 1 năm nghiên cứu thử nghiệm, nhóm thấy rằng nhân giống bằng phương pháp tách chồi cho hiệu quả cao. Chúng tôi đang xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây sa nhân. Khi kết thúc dự án, chúng tôi hướng đến xây dựng vườn ươm cung cấp cây con giống, đồng thời phổ biến quy trình chăm sóc cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Với giá thành khoảng 5.000 đồng/cây con giống, cây mới sau khi trồng 4 – 5 tháng đã cho từ 1 đến 4 chồi. Sau khi trồng khoảng 2 năm cây bắt đầu cho thu hoạch quả. Như vậy, với cây sa nhân tím, nông dân có thể phát triển kinh tế theo hướng xây dựng vườn ươm cung cấp cây giống ra thị trường hoặc trực tiếp trồng cây thu hoạch quả với lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Cây sa nhân tím đang mang lại cho nông dân các xã trên địa bàn huyện Đình Lập nguồn thu nhập đáng kể. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng sa nhân tím tại tỉnh Lạng Sơn góp phần bổ sung nguồn cây giống, xây dựng quy trình chăm sóc cho nông dân phát triển kinh tế.

HOÀNG VƯƠNG