Thứ sáu,  20/09/2024

Cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị cây sở

(LSO) – Hiện nay, trên thị trường, dầu sở có giá 500.000 đồng/lít, tuy nhiên, giá thu mua quả sở thời điểm hiện tại mới chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Để  cây sở mang lại thu nhập cao cho người trồng trên địa bàn tỉnh, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hái.

Trên địa bàn tỉnh, cây sở đã có từ những năm 1960, đây là một trong 5 loại cây trồng chủ lực phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc. Thời kỳ này, cây sở ít có giá trị do người dân chưa khử được mùi khét và một số độc tố trong dầu sở nên bị chặt phá nhiều lần.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có công nghệ chế biến tạo ra nhiều loại dầu từ quả sở, loại cao cấp lên đến 2 triệu đồng/lít nên đã đẩy mạnh thu mua nguyên liệu thô từ Việt Nam. Chính vì vậy, người dân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến cây trồng này, tại một số nơi như: Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc…, phong trào trồng mới diễn ra khá sôi nổi.

Người dân xã Như Khuê, huyên Lộc Bình chăm sóc cây sở

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha sở với năng suất 15.000 tấn. Tuy nhiên, các rừng sở trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đối mặt với một số vấn đề như: quả to nhưng tỷ lệ hạt thấp, tỷ lệ dầu chưa cao, năng suất còn hạn chế. Đặc biệt, sở là cây ra hoa kết quả liên tục nhưng tập quán thu hoạch lạc hậu khiến quả bị thối, hỏng cao dẫn đến giá thu mua thấp.

Kỹ sư Nguyễn Mỹ Sơn, thành viên Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh cho biết: Để nâng cao giá trị cây sở thì cần có các giải pháp đồng bộ từ cải tạo giống sở, cải tạo vườn ươm, chăm sóc đến bảo quản sau thu hái. Với những rừng sở hiện tại cần dọn sạch cỏ dại, thực bì chen lấn, trẻ hóa bằng cách tỉa cành yếu, làm đất tăng khả năng giữ nước, ghép cây chồi các dòng đã tuyển chọn … Cách làm này có thể có thể tăng năng suất quả lên gấp 2 lần, cùng đó chất lượng quả cũng tăng theo.

Với những vườn sở mới, nếu trồng bằng hạt cần lấy hạt giống từ những cây có xuất xứ rõ ràng, cây mẹ có tán đẹp, sạch bệnh, sai quả, quả to, mỏng vỏ nhằm đảm bảo giữ được những đặc tính vượt trội của cây mẹ. Nếu trồng cây ghép cần tìm hiểu, lựa chọn những cơ sở uy tín, tránh tình trạng mua cây giống trôi nổi trên thị trường dẫn đến cây có chất lượng không đồng đều.

Cây sở là loại cây đem lại cho người trồng nguồn thu không nhỏ nên kỹ thuật canh tác cần được chú trọng. Đất trồng sở cần được làm ải, bón phân. Hằng năm tiến hành vun xới, bón phân, tỉa cành, tạo tán. Người trồng cần duy trì độ cao của cây khoảng 2 m. Điều này không chỉ làm tăng số cây có thể trồng trên cùng một diện tích mà còn hạn chế tai nạn lao động. Hơn nữa, việc hạ độ cao của cây giúp người trồng dễ dàng thu hái, hạn chế hái lẫn lộn quả non, quả già khiến tình trạng thối, mốc ảnh hưởng đến chất lượng quả cũng như giá thu mua.

Vì là cây lấy dầu làm thực phẩm nên muốn nâng cao giá trị sau khi thu hái quả sở cần phải được ủ sớm nhằm dễ dàng bóc tách, loại bỏ hạt thối, mốc. Nếu sơ chế, bảo quản tốt, độ ẩm của hạt chỉ còn 12%, thì giá thành thu mua có thể lên đến 60.000 đồng/kg hạt.

Trồng sở đang trở thành phong trào tại một số huyện. Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng này, các cơ quan liên quan cần sớm có nghiên cứu về hiện trạng, sản lượng, diện tích, khả năng đất đai, kỹ thuật canh tác… Cùng đó, cần thiết lập vườn ươm, thay thế bộ giống cũ bằng bộ giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội đã có nguồn giống chuẩn từ Viện Nghiên cứu lâm nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc đối với các giống sở cành mềm sâm khê 1, 2, 3. Đây là cơ sở để xây dựng vườn ươm cây giống chất lượng cao cũng như địa chỉ cho người trồng nghiên cứu, lựa chọn nguồn giống phù hợp. Để giảm thiểu rủi ro từ bán nguyên liệu thô thì cần đầu tư công nghệ trong việc sơ chế, bảo quản, xây dựng cơ sở chế biến dầu sở nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Sở là cây họ chè nên rất dễ sống và đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn. Cùng với đó, ngoài tinh chế làm dầu ăn, mỹ phẩm thì bã từ quả sở có thể dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu, thau rửa ao đầm… Chính vì vậy, nếu đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đây sẽ là cây trồng cho giá trị kinh tế cao.

HOÀNG VƯƠNG