Thứ sáu,  20/09/2024

Cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp

(LSO) – Lạng Sơn có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp xây dựng các vùng chuyên canh, tỷ lệ lao động trong ngành nông lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao, song kinh tế lâm nghiệp cần được ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ để ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng.

Theo thống kê năm 2019, tốc độ tăng trưởng trong ngành lâm nghiệp tăng từ 2,45% năm 2010 lên 6,93% năm 2019. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 3.447 tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,43%. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp đặc trưng như: vùng trồng hồi tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia; vùng trồng thông trọng điểm tại Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn; vùng trồng keo và bạch đàn tại Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn; vùng trồng quế tại Tràng Định; vùng trồng sở tại Văn Quan, Cao Lộc… Tuy nhiên, do hàm lượng khoa học kỹ thuật trong ngành này còn hạn chế nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để khơi dậy tiền năng sản xuất lâm nghiệp của tỉnh thì cần chú trọng vào 3 vấn đề chính là phát triển cây giống chất lượng cao, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Người dân xã Vạn Thủy, Bắc Sơn chăm sóc rừng quế

Tại hội thảo khoa học “Một số thành tựu công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và khả năng ứng dụng tại Lạng Sơn” diễn ra tháng 11/2919, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp đã tập trung thảo luận về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, chỉ ra tiến bộ khoa học công nghệ có thể ứng dụng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Trong công tác nhân giống, nâng cao chất lượng cây giống bên cạnh các phương pháp phổ thông như: giâm hom, hạt thì cần đưa kỹ thuật nhân giống in vitro vào bảo tồn các cây dược liệu quý của tỉnh như ba kích, sa nhân, hồi, mắc mật,  gừng núi đá…

Với thế mạnh về các cây lấy gỗ như thông, keo, bạch đàn song so với các địa phương khác như: Bắc Giang, Quảng Ninh, năng suất rừng trồng của Lạng Sơn thấp hơn. Để nâng cao năng suất rừng trồng, người sản xuất cần thực hiện trồng rừng bằng giống mới, biện pháp thâm canh mới như: cuốc lật đất trồng rừng toàn diện, bón phân vi sinh có hàm lượng đạm cao… Trong chế biến gỗ, có thể ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano trong bảo quản lâm sản. Đưa một số vi sinh vật hữu ích có thể tiêu hóa chọn lọc từng thành phần của gỗ vào các công đoạn trong công nghiệp giấy và ván nhân tạo, bảo quản gỗ. Ứng dụng công nghệ na no trong việc chống sinh vật, nấm mục hại gỗ, giảm thiểu hóa chất bảo quản gỗ. Đối với gỗ keo, bạch đàn muốn sản xuất gỗ khổ lớn có thể ứng dụng công nghệ biến tính gỗ và công nghệ Glue laminated. Công nghệ này cho phép sản xuất ra những tấm gỗ có kích thước lớn, khắc phục khuyết tật tự nhiên, có thể điều chỉnh màu sắc và vân thớ song chất lượng tương đương gỗ xẻ thông thường.

Đối với các sản phẩm chủ lực như hồi, sở, quế cần đưa công nghệ tiên tiến vào các công đoạn nhằm nâng cao năng suất chất lượng. Một số nhà khoa học trên địa bàn tỉnh đã thử nghiệm và đưa ra những cải tiến kỹ thuật làm nâng cao chất lượng quả hồi khi sấy, loại bỏ tạp chất trong dầu hồi, nhân giống cây sở, cải thiện chất lượng rừng sở, quế, sơ chế, bảo quản các sản phẩm sau thu hái.

Bên cạnh đó, việc áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong phát triển lâm nghiệp, ứng dụng phần mềm trong truy xuất và quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp; quản lý diễn biến tài nguyên rừng thông qua các phềm mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng là những giải pháp công nghệ hữu ích có thể ứng dụng tại Lạng Sơn.

Sản xuất lâm nghiêp mang về khoản thu nhập không nhỏ cho người dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng giá trị kinh tế mà còn hướng đến sản xuất bền vững. Đây là một trong những đề mục tiêu chính của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.

HOÀNG VƯƠNG