Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo tồn và phát huy giá trị cây dược liệu: Cần giải pháp thiết thực

(LSO) – Trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều cây thuốc nam được sử dụng để chữa bệnh và phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách, cách làm thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

   Nguồn dược liệu thuốc nam phong phú

Trong lần điều tra về nguồn tài nguyên cây thuốc gần đây nhất (từ 2012 – 2014), Sở Y tế Lạng Sơn ghi nhận trên địa bàn tỉnh có 788 loài. So với những tài liệu đã điều tra trước đây, lần này phát hiện thêm 6 loài cây thuốc, trong đó 5/6 loài là những cây thuốc nằm trong diện bảo tồn của nước ta. Một số loài cây thuốc quý hiếm đang ở mức nguy cấp như: ba gạc vòng, bát giác liên, bảy lá một hoa, lan một lá, lan kim tuyến, thạch hộc… và một loài đang ở mức cực kỳ nguy cấp là hoàng đàn Hữu Liên. Trong số 285 cây thuốc chính của tỉnh Lạng Sơn có 10 loài và nhóm cây thuốc tiềm năng, đây là những cây thuốc mọc tự nhiên được phép khai thác, cung cấp cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm dược liệu được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2019

Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền đề ra mục tiêu đến năm 2020, chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tuyến trung ương là 10%, tuyến tỉnh 20%, tuyến huyện 25%, tuyến xã 40% số người được khám và điều trị.

Theo ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 lương y, ông lang, bà mế sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cùng với đó, theo nhận định của các nhà khoa học thuộc Viện Thuốc Nam, Viện Dược liệu, Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt nam…, Lạng Sơn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nguồn dược liệu thuốc nam. Chính vì vậy,  trong quy hoạch tổng thể và phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt năm 2013 thì Lạng Sơn là tỉnh trọng điểm trong quy hoạch phát triển dược liệu vùng Đông Bắc.

   Cần có giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu

Thực tế cho thấy, số loài dược liệu trên địa bàn tỉnh phong phú song sản lượng không nhiều do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cây dược liệu có sẵn dưới tán rừng.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật vào nhân giống, phát triển một số dược liệu quý như: đẳng sâm, lan thạch hộc, lan kim tuyến, chè hoa vàng, ba kích… Cùng đó, đã có một số doanh nghiệp hợp đồng với nông dân chuyên canh một số cây thuốc nam như: cà gai leo, hoàn ngọc, nghệ đen…

Tuy nhiên để bảo tồn nguồn dược liệu quý hiện có và phát triển nguồn tài nguyên này thành hàng hóa phục vụ khám chữa bệnh, mang lại lợi ích cho người chăm sóc bảo vệ, tỉnh cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Lạng Sơn. Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Thạc sỹ, bác sỹ Bùi Thị Mẫn, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lạng Sơn cho hay: Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp trồng, chăm sóc cây dược liệu, Lạng Sơn có thể phát triển một số cây thuốc mà thị trường đang có nhu cầu cao như: sa nhân, đinh lăng, bạch chỉ, bạch truật, huyền sâm… Cùng đó, trồng thêm tại chỗ một số cây thuốc thuộc quý hiếm như: đẳng sâm, ba kích, hà thủ ô đỏ, lá khôi… nhằm tăng số lượng các cây thuốc quý trong tự nhiên.

Với những cây thuốc sẵn có trong tự nhiên cần xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác đối với từng loại cây đảm bảo khả năng tái sinh tự nhiên, không gây biến động lớn đối với quần thể. Đồng thời hướng dẫn quy trình đến cộng đồng, giúp người dân nâng cao nhận thức về thu hái cây thuốc đảm bảo tái sinh tự nhiên cho những lần khai thác tiếp theo. Cùng đó cần phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu.

Trước những cảnh báo về tình trạng kháng thuốc, tác dụng phụ của thuốc tây, người tiêu dùng đang có xu hướng quay về với những bài thuốc dân gian sử dụng nguồn dược liệu sẵn có trong tự nhiên. Chính vì vậy, cần sớm có những giải pháp thiết thực nhằm phát huy tiềm năng nguồn tài nguyên thuốc nam của tỉnh. Đây cũng là hướng đi giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

THỤC QUYÊN