Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động quản lý nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn”

(LSO) – Nhãn hiệu tập thể (NHTT) là nền tảng cho các sản phẩm đặc sản tiến xa hơn trên thị trường, đây cũng là một trong những yếu tố giúp nông dân gắn bó với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong khi nhiều đơn vị chưa có phương pháp hữu hiệu để quản lý thì huyện Bắc Sơn đã chủ động vào cuộc quản lý và phát triển NHTT thể “Quýt vàng Bắc Sơn”.

Quýt vàng không chỉ là sản phẩm chủ lực của huyện Bắc Sơn, mà còn là đặc sản của tỉnh được khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước biết đến. Đến năm 2020 huyện Bắc Sơn có khoảng 600 ha quýt vàng, trong đó trên 350 ha cho thu hoạch, sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Vùng trồng quýt được quy hoạch tại 14 xã trên địa bàn huyện.

Quýt vàng Bắc Sơn có đặc trưng quả to, sáng bóng, tép vàng, vị ngọt đậm hơi chua, mùi thơm đặc trưng. Từ năm 2008, quýt vàng Bắc Sơn là đặc sản đầu tiên được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng thương hiệu. Năm 2017, Quýt vàng Bắc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng chứng nhận NHTT.

Người dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn thu hoạch quýt

Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh quýt trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn manh mún, chưa được tổ chức khoa học, chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc các địa phương khác mượn danh để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Vũ Văn Hoạch, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Bắc Sơn cho biết: Trước thực tế trên, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm triển khai các giải pháp quản lý và phát triển NHTT này.

Triển khai hoạt động quản lý NHTT quýt vàng Bắc Sơn, Hội Làm vườn huyện đã ban hành quy định về việc cấp quyền, sử dụng NHTT, sử dụng tem, nhãn; hướng dẫn cấp giấy chứng nhận sử dụng NHTT; quản lý hiện trạng trồng, kinh doanh quýt của các hội viên; giám sát quy trình, kỹ thuật canh tác… Theo đó, sản phẩm mang NHTT quýt vàng Bắc Sơn phải có nguồn gốc tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; tem, nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm chỉ được cấp cho các thành viên đăng ký sử dụng NHTT và chỉ sử dụng cho quả quýt của huyện Bắc Sơn. Đặc biệt, sản phẩm gắn NHTT “Quýt vàng Bắc Sơn” phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất, bảo quản và đảm bảo chất lượng theo quy định.

Cùng những giải pháp trên, các cấp, ngành liên quan ở Bắc Sơn còn phối hợp nghiên cứu, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã như: nghiên cứu nhằm kéo dài thời gian bảo quản quýt; tuyển chọn cây ưu tú; phòng ngừa sâu bệnh; thí điểm các biện pháp giảm hạt, tăng độ ngọt cho quả quýt, trồng quýt an toàn… Tính đến thời điểm này,  toàn huyện có 108 ha quýt được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua triển khai các mô hình, chất lượng quả quýt của huyện được nâng lên về khối lượng, độ ngọt, màu sắc, độ bóng… Các vườn thực hiện mô hình thâm canh, sản xuất theo VietGAP tăng năng suất từ 10% đến 20% so với những vườn chăm sóc theo phương pháp truyền thống.

Ông Đặng Văn Lương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng, huyện Bắc Sơn cho biết: Nhờ quản lý tốt NHTT mà đến nay, người tiêu dùng đã chủ động lựa chọn sản phẩm có đầy đủ tem, nhãn, tem truy xuất nguồn gốc. Giá thành cũng được nâng lên, nếu trước đây, giá quýt dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg thì nay tăng lên 30.000 đến 50.000 đồng/kg.

NHTT là sản tài sản vô hình, chưa phát huy hiệu quả ngay nhưng mang nhiều lợi ích lâu dài nếu biết quản lý và chú trọng phát triển. Cách làm của huyện Bắc Sơn trong quản lý NHTT Quýt vàng Bắc Sơn có thể áp dụng với nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh. Mong rằng thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều huyện, xã áp dụng để nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG