Thứ sáu,  20/09/2024

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình: Cầu nối trong sản xuất nông nghiệp tiên tiến

(LSO) – Nhằm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất ,  giảm công lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, những năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Lộc Bình đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Hằng năm, Phòng NN&PTNT huyện có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, trong đó, lấy nông dân làm trung tâm. Để nông dân chủ động ứng dụng KHCN, phòng yêu cầu đội ngũ khuyến nông viên ở huyện tích cực tuyên tuyền, tư vấn, hướng dẫn người dân ứng dụng các kỹ thuật mới cho phù hợp với trồng trọt, chăn nuôi.

Nông dân huyện Lộc Bình thu hoạch khoai lang

Bằng các nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phòng NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, canh tác… cho nông dân. Từ năm 2019 đến nay, phòng đã phối hợp tổ chức được 358 lớp tập huấn, chuyển giao KHCN cho hơn 13.350 lượt nông dân trên địa bàn huyện. Các kiến thức, kỹ thuật chủ yếu được chuyển giao đến nông dân gồm: kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, dịch hại trên gia súc, gia cầm; phòng chống đói, rét cho trâu bò; phòng trừ sâu bệnh trên cây khoai tây, cây thông, kỹ thuật sử dụng phân nén, gieo mạ và phòng chống rét cho mạ xuân, sản xuất rau an toàn… Cùng đó, phòng đã xây dựng 145 mô hình trình diễn giống lúa thuần J01, VNR10, ngô lai, dưa chuột, chăn nuôi vịt, gà mía, cá…

Thấy được việc triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng mà còn từng bước thay đổi phương thức sản xuất của nông dân trên địa bàn, 2 năm qua, Phòng NN&PTNT huyện đã đẩy mạnh triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP và đạt những kết quả nhất định. Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn huyện đã và đang triển khai 3 mô hình sản xuất theo hướng VietGAP với tổng diện tích trên 174 ha. Trong đó, mô hình sản xuất lúa tại 6 xã với tổng diện tích trên 159 ha (đã cho thu hoạch); mô hình liên kết sản xuất cây khoai lang gắn với phát triển thương hiệu được triển khai tại xã Khuất Xá với diện tích 12 ha (hiện đang cho thu hoạch), mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau với diện tích 3 ha (đang triển khai).

Ông Lộc Văn Liệu, thôn Pò Vèn, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Sau khi được tuyên truyền, khuyến khích, năm 2020, gia đình tôi đã áp dụng trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 9 sào và đã thu hoạch. Tuy có những sự khác biệt và vất vả trong thực hiện quy trình chăm sóc, bón phân, theo dõi bệnh hại, nhất là phải ghi chép tỉ mỉ để cán bộ khuyến nông kiểm tra nhưng khi được thu hoạch sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ có chất lượng tốt mà năng suất cũng cao hơn 30 kg/sào. Tới đây, gia đình tôi tiếp tục áp dụng cách làm này.

Bên cạnh ứng dụng tiếp bộ kỹ thuật vào sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện còn chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, phòng đã hỗ trợ, kết nối xây dựng được 18 mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kết nối với các doanh nghiệp. Trong đó, đã kết nối được với các đơn vị thu mua bao tiêu sản phẩm cho 100 ha dưa chuột, 67 ha khoai lang, 30 ha khoai tây, 4 ha chanh leo. Trong vụ đông năm nay doanh nghiệp sẽ bao tiêu 20 ha khoai tây, hiện nông dân đang xuống giống…

Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất trên địa bàn huyện Lộc Bình chính là tiền đề hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi để nông dân trên địa bàn tăng thu trên một diện tích sản xuất và chuyên tâm gắn bó với ngành nông nghiệp.

HOÀNG VƯƠNG