Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển thương hiệu “Hồng Vành khuyên”: Cách làm ở Văn Lãng

(LSO) – Hồng Vành khuyên được trồng ở huyện Văn Lãng và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Lạng Sơn. Sau khi loại quả này được bảo hộ thương hiệu (năm 2016), chính quyền và cơ quan chuyên môn ở Văn Lãng đã có nhiều cách làm hay trong phát triển thương hiệu “Hồng Vành khuyên”.

Những năm qua, trong số hàng loạt cách làm để xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm không thể không nhắc đến việc phát triển vùng trồng gắn với sản xuất sạch, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm để ngày càng thu hút khách hàng. Cụ thể giai đoạn 2015 – 2020, trung bình mỗi năm, toàn huyện Văn Lãng phát triển mới từ 50 đến 70 ha, hiện tại, cả huyện có 1.270 ha hồng Vành khuyên. Trong đó, có 224 ha đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30 ha được sản xuất theo công nghệ hữu cơ. Anh Hoàng Văn Hưng, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha hồng thì 3 năm qua được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy trình này, năng suất, chất lượng quả cao hơn rõ rệt, sản phẩm có uy tín hơn, giúp cho giá bán nhỉnh hơn từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg quả tươi. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch từ 10 đến 12 tấn quả, cho thu nhập gần 200 triệu đồng”.

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng hướng dẫn người dân xã Hoàng Việt chăm sóc vườn hồng Vành khuyên trồng theo quy trình VietGAP

Khi năng suất, chất lượng quả ngày càng ổn định và được đảm bảo, UBND huyện Văn Lãng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện quan tâm phát triển mạnh mẽ thương hiệu “Hồng Vành khuyên”. Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Xác định đây là cây trồng chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương nên các cấp, ngành ở huyện chú trọng phát triển nhãn hiệu tập thể “Hồng Vành khuyên” đã được bảo hộ. Cách làm của huyện là tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; “gắn sao” cho sản phẩm và kết nối đầu ra, tìm kênh tiêu thụ… cho quả hồng. Khác với một số địa phương, huyện tận dụng các nguồn kinh phí được cấp để triển khai đồng bộ các cách làm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu trực tiếp đến từng tổ chức, cá nhân có tiềm năng chứ không làm hình thức, tràn lan, manh mún.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ, cấp hàng vạn hộp giấy đựng hồng (loại 3, 5, 10 kg/hộp) cùng 500 kg dây buộc, tem mác, túi bóng in logo nhận diện “Hồng Vành khuyên”… đến UBND các xã, thị trấn, các hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh và đến tận tay các tư thương bán buôn, bán lẻ hồng gắn với đó là thường xuyên kiểm tra việc sử dụng bao bì, nhãn mác được cấp. Thực hiện chương trình OCOP, năm 2020, sản phẩm quả hồng Vành khuyên do HTX Sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò (xã Tân Mỹ) đăng ký thực hiện và được UBND tỉnh công nhận hạng 4 sao.

Trong việc kết nối các kênh tiêu thụ, UBND huyện quan tâm phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan tìm hiểu, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các siêu thị lớn tại Hà Nội và các hội chợ thương mại ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt chú trọng tiêu thụ qua kênh phân phối, bán buôn, bán lẻ của các tư thương… Chính từ đây, thương hiệu “Hồng Vành khuyên” dần nổi tiếng trên thị trường trong nước. Chị Nguyễn Thanh Hiền, tư thương tỉnh Bắc Giang cho biết: Hằng năm, tôi thường đến Văn Lãng thu mua hồng đem về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) phân phối đi khắp các tỉnh, thành trong nước và đạt gần 200 tấn quả tươi/vụ. Nhiều năm qua, loại quả này được khách hàng đánh giá là ngon, ngọt, giòn, đặc trưng không vùng miền nào có được nên rất ưa dùng.

Được biết, không dừng lại ở đây, việc phát triển thương hiệu “Hồng Vành khuyên” sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới. Cụ thể, huyện sẽ quan tâm xây dựng và phát triển vùng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2030 đối với hồng Vành khuyên. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho hay: Cùng với nhân rộng diện tích lên 2.000 ha vào năm 2025 và đạt 2.300 ha vào năm 2030, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tận dụng tối đa nguồn vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đa dạng hóa hơn nữa cách phát triển thương hiệu. Trước mắt, UBND huyện sẽ tiếp tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ giống hồng Vành khuyên; nghiên cứu  ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến để đa dạng chủng loại sản phẩm (hồng sấy khô, sấy dẻo); và chú trọng xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm quả hồng…

Năm 2020, với khoảng 700 ha hồng cho thu hoạch, sản lượng hồng Vành khuyên Văn Lãng đạt gần 4.000 tấn, cho giá trị kinh tế gần 70 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tấn so với vụ hồng năm 2018 và tăng gần 3.000 tấn so với vụ hồng năm 2019; giá trị kinh tế tăng khoảng 30 tỷ so với năm 2018 và tăng gần 50 tỷ so với năm 2019.
MINH ĐỨC