Thứ sáu,  20/09/2024

Giải pháp truyền thông về tiêu điểm kiểm soát: Giúp học sinh nâng cao năng lực bản thân

(LSO) – Trong cuộc sống hằng ngày, việc đổ lỗi đã trở thành thói quen của không ít người. Thói quen này dẫn đến thái độ trốn tránh trách nhiệm trong công việc và cuộc sống, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) thực hiện đề tài nghiên cứu “Bộ ấn phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tiêu điểm kiểm soát cho học sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2020, nhóm nghiên cứu gồm em Tô Thị Thùy Dương, lớp 12E2 và em Dương Hà Ngân, lớp 10A,  Trường THPT chuyên Chu Văn An xây dựng đề tài nghiên cứu “Bộ ấn phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tiêu điểm kiểm soát cho học sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Học sinh Trường THPT Chuyên Chu Văn An tìm hiểu về tiêu điểm kiểm soát

Em Dương Hà Ngân cho biết: Tiêu điểm kiểm soát là mức độ mà mọi người tin rằng họ có quyền kiểm soát kết quả của các sự kiện trong cuộc sống. Ví dụ: Một học sinh bị điểm kém và có tiêu điểm kiểm soát bên ngoài cao sẽ đổ lỗi do đề khó, thầy cô chấm khắt khe… mà không thừa nhận bản thân còn chưa chăm học nên không làm được bài. Ngược lại, một học sinh có tiêu điểm kiểm soát bên trong cao sẽ tự nhận thức được năng lực của bản thân, không đổ lỗi cho những tác nhân bên ngoài mà nhận thấy mình phải cố gắng và nỗ lực hơn để đạt được điểm cao, nhờ vậy mà có tinh thần vượt khó cao hơn.

Qua khảo sát của nhóm, trên địa bàn tỉnh còn nhiều học sinh chưa biết đến khái niệm tiêu điểm kiểm soát và ảnh hưởng của nó đến nhận thức, hành vi của mình. Để thực hiện đề tài, nhóm đã khảo sát đối với 720 người (học sinh, giáo viên, phụ huynh). Kết quả khảo sát cho thấy: chỉ có 3,98% biết về tiêu điểm kiểm soát và có tới 96,2% chưa biết về tiêu điểm kiểm soát. Đa số học sinh được khảo sát có tiêu điểm kiểm soát bên trong cao hơn bên ngoài, tuy nhiên, tiêu điểm kiểm soát bên trong còn chưa cao (2,4/5 theo thang đo của nhóm nghiên cứu thực hiện).

Từ kết quả trên đây, nhóm đã đưa ra các giải pháp truyền thông trực tiếp và gián tiếp nhằm thay đổi tư duy, hành vi theo hướng tích cực của người tham gia thực nghiệm. Đối với giải pháp truyền thông trực tiếp, nhóm đã tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận trực tiếp nhằm đưa ra các khái niệm, phân tích tình huống giúp học sinh hiểu hơn về tiêu điểm kiểm soát, từ đó rút ra những định hướng đúng để cân bằng giữa tiêu điểm kiểm soát bên trong và bên ngoài. Đối với các giải pháp truyền thông gián tiếp, nhóm thiết kế các tờ rơi tuyên truyền; thiết kế poster (áp phích), bookmark (thẻ đánh dấu) và thông điệp đính kèm, đặc biệt là bộ Flashcard (thẻ học) và cuốn cẩm nang “Chúng ta có thể” với các kiến thức chung về tiêu điểm kiểm soát; những tình huống xảy ra đối với học sinh trong trường học, gia đình, cuộc sống và đưa ra cách xử lý. Nhóm lập fanpage về Tiêu điểm kiểm soát trên mạng xã hội Facebook nhằm phổ biến kiến thức và tương tác với học sinh một cách nhanh nhất.

Em Tô Thị Thùy Dương, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Sau khi được tiếp cận các giải pháp truyền thông, đa số người tham gia thực nghiệm (hơn 700 người) đều có những chuyển biến tích cực, cẩn trọng hơn trước khi đưa ra quyết định, có thái độ sống lạc quan hơn và dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Cụ thể, 70,7% (498 người) số người đã biết về tiêu điểm kiểm soát (tăng 66,74% so với khi khảo sát) và chỉ còn 29,3% (206 người) chưa hiểu rõ về tiêu điểm kiểm soát (giảm 66,9% so với khi khảo sát); 45% số người tham gia thực nghiệm đã thay đổi nhận thức và hành vi của mình theo hướng tích cực; tiêu điểm kiểm soát bên trong được nâng từ 2,4 lên 3,4.

Em Nguyễn Minh Nguyệt, lớp 12E2, Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Bộ ấn phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tiêu điểm kiểm soát cho học sinh và phụ huynh được phổ biến tại những buổi ngoại khóa và sinh hoạt lớp đã giúp em thay đổi thái độ trước những vấn đề trong cuộc sống. Bố mẹ em cũng có những thay đổi tích cực khi tiếp cận ấn phẩm này, không còn tạo áp lực về việc học tập hay quá kỳ vọng vào em như trước.

Với những phân tích chặt chẽ, khoa học và hiệu quả đem lại, “Bộ ấn phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tiêu điểm kiểm soát cho học sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” đã đạt giải ba tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 12 năm 2020. Hy vọng thời gian tới, bộ ấn phẩm sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nữa trong các nhà trường nhằm góp phần nâng cao nhận thức và năng lực cho học sinh.

HOÀNG VƯƠNG