Thứ sáu,  20/09/2024

Ứng dụng GIS: “Mắt thần” trong quản lý, bảo vệ rừng

(LSO) – Từ năm 2016 đến nay, ngành kiểm lâm tỉnh đã sử dụng các ứng dụng hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu từ hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Toàn tỉnh hiện có trên 500.000 ha đất có rừng, độ che phủ đạt khoảng 63%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 290.000 ha, diện tích rừng trồng trên 250.000 ha. Diện tích rừng rộng, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn khá mỏng trên 220 cán bộ, vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên rừng là rất cần thiết. Từ năm 2016, ngành kiểm lâm tỉnh đã triển khai một số phần mềm hoạt động dựa trên nền tảng sử dụng dữ liệu từ hệ thống GIS để phục vụ chính cho công tác theo dõi diễn biến rừng và cảnh báo các điểm nghi cháy rừng.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm sử dụng ảnh viễn thám phục vụ công tác quản lý lâm nghiệp

Trong công tác cảnh báo cháy rừng, lực lượng kiểm lâm sử dụng một số phần mềm trên nền tảng GIS như: SRMS (cảnh báo cháy rừng), PHCR (phát hiện cháy rừng). Các phần mềm này hoạt động dựa trên việc phân tích dữ liệu được gửi về từ vệ tinh, thông qua phân tích các chỉ số như: độ ẩm, khí tượng, hệ thống sẽ đưa ra các điểm có nguy cơ cháy. Bà Trần Thị Viên, chuyên viên Phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trung bình mỗi ngày, vệ tinh thu thập dữ liệu sẽ di chuyển 4 lần qua khu vực có rừng cần quản lý. Khi phát hiện các điểm cháy rừng hoặc nghi cháy, hệ thống sẽ báo tin nhắn về số điện thoại của các cán bộ kiểm lâm đã đăng ký trên hệ thống.

Hiện nay, có tổng số 15 số điện thoại của cán bộ kiểm lâm đã được cập nhật trên hệ thống gồm: 2 lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm; 11 hạt trưởng tại các huyện, thành phố; 2 chuyên viên phụ trách lĩnh vực. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, hệ thống đã phát hiện trên 900 điểm cháy và nghi cháy rừng. Nhờ đó, không ít vụ cháy nhỏ được phát hiện và được lực lượng kiểm lâm khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy rừng diện rộng.

Đơn cử như tại huyện Cao Lộc, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống, lực lượng kiểm lâm cùng người dân đã tiến hành khống chế thành công 5 vụ cháy tại các xã: Thanh Lòa, Yên Trạch, Tân Thành. Nhờ hệ thống GIS, khi phát hiện điểm cháy, chúng tôi nhận được tin nhắn trực tiếp từ vệ tinh. Căn cứ vào tọa độ các địa điểm, chúng tôi dễ dàng triển khai lực lượng của đơn vị hoặc kiểm lâm cơ sở gấp rút kiểm tra trực tiếp và tiến hành xác minh trên thực địa có xảy ra cháy rừng hay không.

Không chỉ giúp ích trong cảnh báo cháy rừng, ứng dụng GIS còn đem lại nhiều hiệu quả trong việc theo dõi diễn biến rừng. Được biết, trước đây, để đo vẽ, khoanh bản đồ theo dõi biến động rừng, cán bộ kiểm lâm đều phải sử dụng các thao tác thủ công, sử dụng bản đồ giấy để tác nghiệp. Điều này tốn rất nhiều thời gian, nhân lực. Tuy nhiên, đến nay, công tác này đều được thao tác thông qua các ứng dụng cài đặt trên điện thoại, web sử dụng ảnh viễn thám do vệ tinh gửi về.

Ông Nông Văn Đô, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập cho biết: Thông qua các phần mềm trên nên tảng GIS, cán bộ kiểm lâm chỉ cần lựa chọn địa bàn, sau đó nhập số liệu và địa bàn kỳ trước và kỳ sau để so sánh, phần mềm sẽ tự động phát hiện các vùng biến động về rừng giữa 2 giai đoạn. Từ đó, lực lượng chủ động xác minh và cập nhật kịp thời số liệu theo lô, khoảnh và tiểu khu vào bản đồ. Đồng thời, các cán bộ kiểm lâm phụ trách công tác theo dõi biến động rừng đều cài đặt phần mềm có tên là GTField để thay thế bản đồ giấy, phục vụ công tác tuần tra, xác định vị trí ngoài thực địa. Nhờ các phần mềm trên, chúng tôi có thể quản lý thường xuyên hơn đối với những địa bàn cách xa khu dân cư, các khu vực rừng có địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn.

Việc ứng dụng hệ thống GIS đã và đang từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên rừng, đặc biệt là đối với tỉnh có diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn như Lạng Sơn. Thiết nghĩ, để có thể phát huy tối đa hiệu quả của ứng dụng này trong công tác quản lý tài nguyên rừng, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đối với việc đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, viễn thông, mà Chi cục Kiểm lâm đóng vai trò là đơn vị đầu mối, tham mưu các kế hoạch và tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

GIA KHÁNH - ĐẶNG DŨNG