Thứ sáu,  20/09/2024

Ứng dụng Công nghệ thông tin tại Thư viện tỉnh: Từng bước nâng chất lượng phục vụ độc giả

– Những năm gần đây, Thư viện tỉnh tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thư viện với nhiều giải pháp tích cực, góp phần hiện đại hóa công tác thư viện, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ độc giả.

Là giáo viên giảng dạy tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, để phục vụ công việc, chị Nguyễn Duy Linh thường xuyên mượn sách tại Thư viện tỉnh. Thay vì tìm sách theo cách truyền thống rất mất thời gian, thì chị Linh tìm sách cần mượn qua mục lục trực tuyến của thư viện bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động. Chị Linh cho biết: Tôi chỉ cần lên đó tìm sẵn số hiệu rồi ghi vào phiếu thẻ độc giả, hôm sau đến thư viện là mượn được sách ngay. Tôi thấy cách làm này rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho cả cán bộ thư viện và độc giả.

Viên chức Phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh số hóa tài liệu sách bằng thiết bị chuyên dụng

Chị Linh chỉ là một trong số hơn 3.479 bạn đọc đang được hưởng lợi và có phản hồi tích cực về việc ứng dụng CNTT của thư viện.

Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Năm 2011, chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn và phục vụ độc giả. Theo đó, ngay từ đầu các năm, chúng tôi đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai công tác ứng dụng CNTT đến toàn thể cán bộ, viên chức trong cơ quan, coi đây là nhiệm vụ then chốt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Trong đó, chúng tôi tập trung vào hai nội dung quan trọng là số hóa các tài liệu, tư liệu hiện đang lưu trữ và triển khai mạnh mẽ phần mềm thư viện điện tử.

Theo đó, năm 2011, Thư viện tỉnh đã xây dựng và khai trương Hệ thống tra cứu tài liệu (LIC 6.0) phục vụ phát triển thư viện số với vốn tài liệu sưu tầm, số hóa ban đầu là 5.000 trang tài liệu… Năm 2013, Thư viện tỉnh triển khai thành công dự án Thư viện điện tử, trong đó hệ thống mạng LAN được nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất máy móc hiện đại cho các phòng làm việc, mỗi năm hai lần, thư viện đều phân công viên chức phụ trách kiểm tra, bố trí kinh phí sửa chữa khi trục trặc đối với các máy móc thiết bị hiện có; bố trí 20 máy tính, 300 đĩa CD tại Phòng đọc đa phương tiện gồm nhiều thể loại phục vụ nhu cầu bạn đọc… với tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng do UBND tỉnh cấp. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh đã xây dựng website với tên miền:  http://Thuvienlangson.vn giúp bạn đọc có thể truy cập và tìm kiếm thông tin thư viện thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc.

Về hạ tầng, tính đến tháng 10/2021, Thư viện tỉnh có 3 máy chủ, 18 máy tính kết nối mạng tốc độ cao, 8 máy in, 2 máy scan tại các phòng chuyên môn; 100% cán bộ, viên chức được cấp tài khoản sử dụng phần mềm văn phòng điện tử VNPT – iOffice; hệ thống tra cứu tài liệu LIC 6.0 vẫn đang được sử dụng và cải tiến thường xuyên. Đặc biệt, trang web của thư viện đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt người truy cập.

 Song song với việc đầu tư trang thiết bị, Thư viện tỉnh cũng chú trọng  tuyên truyền đến cán bộ, viên chức về lợi ích của ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện và hướng dẫn cách sử dụng phần mềm hệ thống tra cứu tài liệu (LIC 6.0), website của thư viện thông qua các lớp tập huấn mỗi năm 2 lần, tại cuộc họp chuyên môn định kỳ hằng tuần, hằng tháng… Đối với bạn đọc, Thư viện tỉnh cũng bố trí 1 máy tính tại phòng mượn và chỉ đạo đội ngũ thủ thư giới thiệu, hướng dẫn trực tiếp độc giả cách thức tra cứu tài liệu.

Ngoài ra, Thư viện tỉnh  thường xuyên quan tâm, chỉ đạo phòng chuyên môn số hóa, nhập biểu ghi tài liệu, sách hiện đang lưu trữ vào cơ sở dữ liệu sách và trích báo. Anh Lương Đình Khanh, viên chức Phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh cho biết: Trung bình, cứ 1 tuần, chúng tôi số hóa được 4 quyển thông qua thiết bị chuyên dụng, tùy thuộc độ dày mỏng khác nhau. Tính đến tháng 10/2021, Thư viện tỉnh đã nhập được 43.047 biểu ghi sách, 11.660 biểu ghi trích báo vào cơ sở dữ liệu lưu trữ, 2.800 trang tài liệu được số hóa.

Có thể nói, việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT tại Thư viện tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ nét. Thư viện tỉnh đang tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Tin tưởng rằng, đây sẽ là tín hiệu vui, góp phần phát triển thư viện theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tiếp nhận tri thức của bạn đọc trong tỉnh

ĐỨC TÂM