Thứ sáu,  20/09/2024

Du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục, bảo vệ môi trường: Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hữu ích

– Nghiên cứu về đa dạng sinh học, thư giãn, tận hưởng vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên…, tất cả được đưa vào một hành trình tham quan tại rừng đặc dụng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Đây là ý tưởng được đánh giá cao tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2021.

Đầu năm 2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã triển khai “Mô hình khu sinh thái phục vụ học tập, giáo dục môi trường, trải nghiệm, tham quan, du ngoạn thiên nhiên để nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa tại Khu rừng đặc dụng Hữu Liên”. Mô hình bao gồm 2 hợp phần chính là tổ chức tham quan, học tập, trải nghiệm, giáo dục môi trường và cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái khu vực rừng đặc dụng Hữu Liên.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại rừng đặc dụng Hữu Liên

Anh Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Bảo tồn và Dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên, tác giả ý tưởng khởi nghiệp cho biết: Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích hơn 8.000 ha, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có giá trị cao về đa dạng sinh học với 962 loài thực vật bậc cao và 461 loài động vật. Trong đó, nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị khoa học, bảo tồn, giáo dục môi trường cao (77 loài thực vật và 61 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam). Đây là khu vực có cảnh quan đặc sắc với nhiều hang động, suối ngầm và hồ ngập nước theo mùa. Cùng đó, nơi đây có nhiều dân tộc với bản sắc văn hoá độc đáo. Đây chính là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với các mục tiêu giáo dục, bảo tồn mà ít nơi nào có được.

Triển khai mô hình khởi nghiệp, từ đầu năm 2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã cải tạo các hạng mục tại trụ sở với diện tích hơn 3,5 ha. Tại đây, đơn vị đã xây dựng một số hạng mục công trình và đưa vào vận hành phục vụ gồm: phòng trưng bày; vườn thực vật; vườn ươm giống; mô hình trồng bảo tồn loài hoàng đàn Hữu Liên; tuyến đi bộ trải nghiệm xuyên rừng… với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu đồng. Trong đó, phòng trưng bày với 1.020 mẫu vật các loài động, thực vật quý hiếm, đặc trưng của khu rừng (gồm 101 mẫu vật gỗ, 690 mẫu lá cây, 79 mẫu vật sống các loài phong lan, 150 mẫu vật động vật). Các mẫu vật được chế tác, xử lý công phu, hình thức đẹp là tư liệu quý để nghiên cứu, học tập; xây dựng và cải tạo cảnh quan vườn thực vật để các em học sinh và du khách tìm hiểu với nhiều loài cây bản địa quý, hiếm như: hoàng đàn, nghiến, đinh… Vườn ươm giống và mô hình trồng bảo tồn loài hoàng đàn Hữu Liên với 450 cá thể cho du khách trải nghiệm quy trình gieo ươm, tạo giống, trồng và chăm sóc loài hoàng đàn. Ban quản lý cũng xây dựng không gian cảnh quan tại trụ sở phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, cắm trại, tắm suối, bơi thuyền… của du khách.

Tuy mới đưa vào vận hành trong thời gian ngắn nhưng mô hình của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã nhận được sự quan tâm từ nhiều du khách. Từ đầu năm 2021 đến nay, mô hình đã thu hút hơn 1.000 lượt khách với tổng số tiền thu được hơn 30 triệu đồng, trong đó có hơn 300 học sinh các trường học trên địa bàn huyện.

Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ), Thư ký Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2021 cho biết: Ý tưởng khởi nghiệp của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên không chỉ khai thác thế mạnh của đơn vị, địa phương trong phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu ở trong và ngoài tỉnh. Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ý tưởng khởi nghiệp này đã xuất sắc đạt giải nhì.

Để mô hình phát triển nhanh, bền vững, được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đang xây dựng kế hoạch quảng bá, phát triển thị trường và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch và các điểm du lịch trên địa bàn huyện để làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Khi mô hình hoạt động ổn định, đơn vị sẽ hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để đầu tư, xây dựng thêm một số sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách có nhu cầu nghiên cứu, trải nghiệm. Trong đó, trọng điểm là xây dựng thêm các tuyến du lịch sinh thái từ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đi các điểm du lịch như: Lân Đặt, Nà Nọc, Lân Ty, Đồng Lâm… Theo tính toán của ban quản lý, dự kiến trong những năm tới, mô hình sẽ thu hút từ 3.000 đến 5.000 lượt khách ở trong và ngoài nước/năm

HOÀNG VƯƠNG