Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Nâng cao sức cạnh tranh của cá lồng Văn Quan trên thị trường

– Những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Văn Quan phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đưa sản phẩm cá lồng của huyện Văn Quan vào đề án triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ và triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho sản phẩm này.

Mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Văn Quan tập trung chủ yếu tại thị trấn Văn Quan với khoảng 200 lồng cá, 110 hộ nuôi. Trong đó, có 187 lồng treo, 37 lồng quây, 4 eo ngăn với thể tích nuôi là trên 27.000 m3. Cá nuôi lồng chủ yếu là cá trắm cỏ, trắm đen, chép, mè… Thời gian nuôi cá lồng từ 15 đến 16 tháng, năng suất trung bình đạt từ 1,8 – 2 kg/con, nhiều con đạt trọng lượng 2,5 – 3 kg. Tổng sản lượng cá mỗi năm ước đạt 30 – 34 tấn/năm với giá bán từ 100.00 đến 120.000 đồng/kg. Cá lồng Văn Quan được nuôi trong môi trường nước sông sạch, chủ yếu ăn cỏ và ngô hạt nên chất lượng thịt ngon hơn với những nơi khác. Cũng bởi lý do trên mà giá cá lồng Văn Quan luôn cao hơn so với các loại cá cùng loại trên thị trường, nhờ đó đã mang về một nguồn thu đáng kể cho người dân trên địa bàn.

Nông dân thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan đánh bắt cá lồng

Để khẳng định chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm cá lồng của huyện Văn Quan, từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2022, nhóm thực hiện do thạc sỹ Tăng Đức Khương, Trưởng Phòng Thực thi quyền, Công ty Cổ phần Đầu tư Inforest (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã triển khai dự án “Xây dựng NHTT cho sản phẩm cá lồng của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”.

Ông Tăng Đức Khương cho biết: Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi cá lồng tương đối cao nên người dân trên địa bàn phát triển nuôi cá lồng ồ ạt một cách tự phát. Trong khi đó, các cấp có thẩm quyền trên địa bàn huyện chưa có quy hoạch và quản lý nên việc bố trí lồng nuôi chưa hợp lý ảnh hưởng đến môi trường nước và rủi ro về dịch bệnh. Cùng đó, sản phẩm cá lồng của huyện Văn Quan hiện nay chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, chưa có sức cạnh tranh trên các thị trường khác do chưa có thương hiệu. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu là điều tất yếu, trong đó, trước mắt là xây dựng NHTT.

Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra xác định quy mô nuôi cá lồng trên địa bàn huyện; chất lượng sản phẩm; xác định những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động chăn nuôi, khai thác cá lồng Văn Quan, nhất là xác định nhu cầu và mong muốn của người dân về hoạt động quản lý và phát triển NHTT “Cá lồng Văn Quan. Sau khi xác định chủ thể của NHTT là Hợp tác xã Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi cá lồng của huyện Văn Quan gồm khu vực thị trấn Văn Quan và một số xã lân cận. Cùng đó, nhóm cũng đề xuất mật độ lồng nuôi nhằm đảm bảo các điều kiện cho cá phát triển đạt chất lượng tốt cũng như đảm bảo vấn đề môi trường và phòng, chống dịch bệnh cho cả vùng nuôi.

Song song với đó, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng quy chế quản lý sử dụng NHTT với các nội dung như: điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu; cách thức sử dụng và kiểm soát việc sử dụng; trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng nhãn hiệu và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhãn hiệu. Hệ thống quản lý và sử dụng NHTT “Cá lồng Văn Quan” được xây dựng với quy định về cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng NHTT, quy định về kiểm soát NHTT, quy chế sử dụng tem nhãn… Công cụ quảng bá được xây dựng với hơn 3.000 bộ nhận diện thương hiệu (túi đựng, nhãn, hộp xốp, tem nhựa bấm vào vây cá có mã Qr…), tem truy xuất nguồn gốc, biển quảng cáo kích thước lớn…

Cùng với đó, tháng 7/2022, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng tài liệu và tổ chức hội nghị hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cá lồng cho hơn 60 người chăn nuôi; tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức chung về sở hữu trí tuệ và NHTT cho gần 100 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến công tác quản lý và người dân trên địa bàn huyện. Nhóm cũng đã kết nối được 2 kênh tiêu thụ sản phẩm cá lồng Văn Quan cho một số nhà hàng, chợ tại Hà Nội và thành phố Lạng Sơn.

Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi cá lồng Tân Minh (Thị trấn Văn Quan, Huyện Văn Quan) cho biết: Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ dàng, chất lượng tốt. Vì vậy, việc xây dựng và cấp quyền cho các hộ nuôi sử dụng NHTT là tiền đề để chúng tôi tập chung sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm cá lồng Văn Quan trên thị trường.

Đến nay, nhóm thực hiện dự án đã cơ bản thực hiện xong các nhiệm vụ đề ra, hiện đang hoàn thiện hồ sơ để trình Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với NHTT cá lồng Văn Quan cho sản phẩm cá lồng của huyện Văn Quan là bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội.

THỤC QUYÊN