Thứ năm,  19/09/2024
Chăn nuôi cầy hương sinh sản và thương phẩm

Ý tưởng khởi nghiệp có tính thực tiễn cao

– Cầy hương là động vật có khả năng sinh sản mạnh, ít dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, nhu cầu cầy hương thương phẩm tại các nhà hàng cũng như nhu cầu con giống của người chăn nuôi ngày một nhiều nên nuôi cầy hương là hướng đi mang lại nguồn thu lớn cho người dân.


Anh Phạm Đức Trọng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng tại Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng lần thứ 4, năm 2022

Tại Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng lần thứ 4 (năm 2022), mô hình chăn nuôi cầy hương sinh sản và thương phẩm của anh Phạm Đức Trọng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng đã vượt qua nhiều ý tưởng và đạt giải ba. Theo anh Đỗ Văn Thuần, Phó Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng lần thứ 4, mặc dù có giá rất cao (khoảng 2.200.000 – 2.600.000 đồng/kg) xong nguồn cung thịt cầy hương vẫn không đủ cầu. Trong khi cầy hương tự nhiên đang giảm mạnh và được bảo vệ nghiêm ngặt thì tổ chức chăn nuôi là giải pháp vừa tạo ra việc làm, mang lại giá trị kinh tế cao vừa không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của loài cầy hương.

Cầy hương tự nhiên sinh sản 1 lứa/năm, trong môi trường trang trại tập trung có thể sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 3 đến 5 con và tuổi thọ khoảng 8 đến 9 năm. Hiện mỗi con cầy hương sinh sản với thời gian nuôi từ 4 đến 8 tháng có giá từ 10 đến 15 triệu đồng, cầy hương thương phẩm có giá 2.200.000 – 2.600.000 đồng/kg. Từ đó có thể thấy nuôi cầy hương là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn.

Anh Phạm Đức Trọng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng cho biết: Qua nhiều lần tìm hiểu, năm 2020 tôi quyết định bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi cầy hương sinh sản và thương phẩm với 2 cặp cầy hương sinh sản trị giá 60 triệu đồng. Cầy hương là vật nuôi có đặc tính hoang dã mạnh mẽ nên thời gian đầu chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến chuồng trại chưa được xây dựng chắc chắn nên vật nuôi xổng chuồng gây thất thoát. Đặc biệt, cầy hương mới sinh sản cần được cung cấp nhiều dưỡng chất và rất kỵ người lạ, mùi lạ, nếu không chú ý chăm sóc cầy hương mẹ có thể cắn chết con non. Do chưa có kinh nghiệm về vấn đề này nên tôi bị hao hụt mất 2 lứa.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, anh Trọng đã chủ động tham quan, học hỏi từ các trang trại chăm nuôi cầy hương lớn tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh… Từ đó đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích để chăm sóc cầy hương sinh sản và thương phẩm. Chuồng nuôi cầy hương cần phải làm theo hướng Đông Nam, mái lợp ngói, cao ráo, thoáng mát và chắc chắn. Bên cạnh hệ thống cửa sổ đóng mở thuận lợi, cần có hệ thống quạt thông gió, đảm bảo đông ấm, hè mát thì chuồng nuôi cầy hương còn phải bố trí ở nơi yên tĩnh, xa khu dân cư. Thức ăn của cầy hương là các loài động vật nhỏ, hoa quả và rễ non, ngũ cốc như: thằn lằn, sâu bọ, ếch nhái; chuối, mít dứa; gạo, ngô, đậu tương; rau xanh, rơm khô… Chất lượng dinh dưỡng trong thức ăn có tác động rất lớn đến khả năng phát triển và sinh sản của cầy hương. Chính vì vậy, nguồn thức ăn luôn phải đa dạng, giàu dinh dưỡng và sạch sẽ, an toàn. Để nâng cao khả năng phát triển của cầy hương, anh Trọng đã xây dựng công thức phối trộn thức ăn riêng để bổ sung dinh dưỡng cho từng mục đích (thương phẩm hoặc sinh sản), từng giai đoạn phát triển của cầy hương.

Cầy hương là động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ – CP của Chính phủ. Để nuôi cầy hương, chủ cơ sở phải thực hiện các thủ tục :
1. Thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.
2. Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (tùy vào quy mô chăn nuôi).
3. Xin cấp mã số trại nuôi tại Chi cục Kiểm lâm
Khi vận chuyển cầy hương chăn nuôi ra khỏi địa bàn tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi xuất phát cấp; động vật phải khỏe mạnh.

Sau một thời gian chăn nuôi, từ 2 cặp sinh sản, anh Phạm Đức Trọng đã nhân rộng mô hình chăn nuôi cầy hương sinh sản và thương phẩm với 40 con: trong đó 32 con cái và 8 con đực giống. Trong năm 2022, từ mô hình này anh đã có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Theo tính toán, với 32 cầy mẹ trong năm tới sẽ sinh sản gần 100 cầy hương con, nếu xuất bán hoàn toàn với giá 10 triệu đồng/con thì doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, phòng bệnh thì thu nhập còn hơn 150 triệu đồng/năm.

Thịt cầy hương được biết đến như một loại đặc sản với hương vị thơm ngon, mềm, ngọt được nhiều người ưa chuộng. Chính vì vậy, chăn nuôi cầy hương là hướng phát triển kinh tế mới giúp thanh niên nông thôn làm giàu ngay trên quê hương Xứ Lạng.

THỤC QUYÊN