Thứ sáu,  20/09/2024

Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp: Hỗ trợ hội viên đổi mới sáng tạo

– Chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới lựa chọn là “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ – Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Trên địa bàn tỉnh, công tác hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh được quan tâm, giúp phụ nữ ngày càng tự tin tham gia vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo được Hội LHPN tỉnh cụ thể hóa thông qua việc triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” theo Quyết định số 939/QĐ – TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ, doanh nghiệp nữ…

Phụ nữ huyện Cao Lộc sản xuất dầu gội đầu từ các thảo mộc tự nhiên

Triển khai hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và vị trí, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế cho cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức như: tổ chức diễn đàn, hội thi; biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến, ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải tại các cuộc thi; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của tỉnh hội, huyện hội, các sở, ngành, mạng xã hội, sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ phụ nữ…

Cùng đó, các cấp hội khuyến khích hội viên nghiên cứu đề xuất ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. Nhiều hội viên đã xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường; các ý tưởng sáng tạo tập trung vào cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường… Đồng thời, hội cũng chủ động kết nối các chương trình tín dụng chính sách của các ngân hàng, tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ khởi nghiệp; đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, mở cửa hàng số. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã hỗ trợ hiện thực hóa 1.174 dự án, ý tưởng của phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Lựa chọn 158 ý tưởng, dự án tham gia các cuộc thi và có 5 ý tưởng đạt giải trung ương, 3 ý tưởng đạt giải cấp tỉnh. Các cấp hội đã hỗ trợ phát triển trên 10.000 gian hàng số, 7.000 tài khoản thanh toán điện tử; phối hợp hỗ trợ xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì cho 1.920 sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng 28 sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Điển hình như ý tưởng “Sản xuất trà Diếp cá Lụa Vy” của chị Vy Thị Lụa, huyện Chi Lăng đạt giải Nhất tại cuộc thi khởi nghiệp năm 2021 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức; ý tưởng “Đan làn nhựa thủ công” từ dây nhựa tái chế của chị Hoàng Thị Choi, huyện Cao Lộc đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2020; ý tưởng Nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tối đa lợi ích từ cây Thạch đen của chị Hà Thị Tuyết Nhung, huyện Tràng Định, đạt giải ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2021.

Ngoài ra, hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững, nhất là đối với phụ nữ yếu thế, từ đó, tạo sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, tỉnh hội tổ chức tập huấn cho hội viên về quản lý nhân sự, xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính; cung cấp thông tin, định hướng phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể… Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ phát triển được 74 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, 23 hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Cùng đó, tổ chức 35 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 1.200 lượt hội viên.

Chị Hà Thị Tuyết Nhung, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Qua sự tư vấn, hướng dẫn của Hội LHPN huyện, thị trấn, tôi đã hoàn thiện quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu Hồng Nhung cho sản phẩm thạch đen của gia đình, đồng thời đăng ký bảo hộ cho thương hiệu, phát triển kênh bán hàng trên không gian mạng. Tôi cũng liên kết với các hộ sản xuất nguyên liệu, hợp đồng sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Nhờ đó, mỗi năm, cơ sở của gia đình tôi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 tấn thạch thành phẩm, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Cơ sở sản xuất của gia đình tôi tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 30 lao động.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh và khởi nghiệp không chỉ lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, mà còn là tiền đề cho nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công, trở thành hạt nhân quan trọng đóng góp vào công cuộc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian tới, hội LHPN các cấp tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực để tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

THỤC QUYÊN