Tại Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương vừa phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức thành công tọa đàm để khởi động cho đề tài nghiên cứu được đánh giá và kỳ vọng cao về giá trị thực tiễn này. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Khởi động nghiên cứu “đo lường sự khác biệt số ở Việt Nam”
“PGS, TS Thái Thanh Hà – Trưởng nhóm nghiên cứu – trình bày Báo cáo đề dẫn của dự án”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, trong bối cảnh hậu Covid, sự phát triển của chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số trở thành việc tất yếu, khách quan nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Việc dựa trên khung nghiên cứu từ các nhà khoa học Australia sẽ giúp Việt Nam rút ngắn được quá trình phát triển của mình.

PGS, TS Đào Ngọc Tiến kỳ vọng rằng dự án sẽ là cơ hội để cho các cựu sinh viên đã từng học tập tại Australia đóng góp cho việc thúc đẩy phát triển quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam, từ đó đóng góp cho xã hội.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những nội dung cơ bản của các khái niệm liên quan đến khoảng cách số sau đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề lý thuyết, các nghiên cứu trọng tâm đã được thực hiện. Phân chia số hay sự khác biệt số chính là khoảng cách tồn tại giữa những cá nhân có quyền truy cập vào công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại và những người không có điều kiện truy cập. Các diễn giả cũng giải thích lý do lựa chọn chỉ số đo lường của Australia (ADII) để nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam. 

Khởi động nghiên cứu “đo lường sự khác biệt số ở Việt Nam”
TS Nguyễn Hồng Quân trình bày tham luận tại tọa đàm. 

Trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Bộ môn Thương mại điện tử, Trường Đại học Ngoại thương, đánh giá thương mại điện tử như là một cực tăng trưởng góp phần giảm phân chia số. 

Các tham luận khoa học đến từ các diễn giả cũng đã phân tích kỹ lưỡng về những ảnh hưởng của các yếu tố về điều kiện kinh tế, giới tính, khu vực tới khoảng cách số và ảnh hưởng của khoảng cách số tới việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS, TS Lê Thái Phong, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương bày tỏ tin tưởng, đề tài nghiên cứu sẽ thành công, góp phần đa dạng hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa, của trường trong thời gian tới. PGS, TS Lê Thái Phong kỳ vọng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách số tại nước ta, nhất là với các nhóm đối tượng yếu thế về phát triển số trong xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, kể cả với những nhóm đối tượng yếu thế ở khu vực đô thị.

Đo lường sự khác biệt số thời kỳ hậu Covid-19 tại Việt Nam thông qua phát triển thử nghiệm chỉ số hòa nhập số dựa trên khung nghiên cứu Australia” là đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng, thuộc khuôn khổ chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Australia đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quyết định số 2589/QĐ-BGDĐT. Với mục đích hỗ trợ cho các cựu sinh từng học tập và công tác tại Australia, chương trình này được gọi là chương trình Aus4Skills của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Đề tài thuộc hợp phần “Tăng trưởng kinh tế và quản trị công”, được tài trợ nghiên cứu từ tháng 6-2023 đến tháng 6-2024.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/khoi-dong-nghien-cuu-do-luong-su-khac-biet-so-o-viet-nam-739068