Thứ sáu,  20/09/2024

Nông dân Bắc Sơn tích cực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả

LSO-Những năm gần đây, nhiều nông dân trong huyện Bắc Sơn đã đầu tư cải tạo vườn tạp, vườn đồi chuyển sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu trên chính quê hương.


Mô hình trồng thanh long ở xã Long Đống, huyện Bắc Sơn
mang lại hiệu quả kinh tế cao

Xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn là một điển hình cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế. Từ một xã còn nhiều khó khăn, người dân chỉ quen với cây ngô cây sắn, nay bà con tích cực làm kinh tế, vươn lên làm giàu, trong đó có nhiều mô hình cải tạo vườn tạp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu là hộ ông Dương Công Thầm, thôn Nà Qué, xã Vũ Sơn.

 Cũng như bao gia đình nông thôn khác, xung quanh nhà là vườn, là ruộng nhưng do thiếu vốn, thiếu kiến thức nên thường bỏ hoang hoặc trồng một số cây ăn quả, vài luống rau, nuôi vài con gà phục vụ nhu cầu gia đình. Sau khi tìm hiểu, tham khảo và học hỏi nhiều nơi, ông Thầm quyết định cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả.

Nhận thấy việc trồng nhiều loại cây ăn quả trong vườn vừa không mang lại hiệu quả kinh tế lại lãng phí đất nên ông đã  chuyển sang trồng 200 cây bưởi Diễn, 100 cây cam tại mảnh vườn quanh nhà. Sau vài năm được chăm sóc cẩn thận, cây bưởi, cây cam phát triển tốt và cho thu hoạch. Vì được chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên cứ đến mùa là cam, bưởi nhà ông sai trĩu cành, thương lái đến tận vườn thu mua. Ngoài vườn bưởi thì gia đình ông còn có vườn quýt hơn 400 cây, mỗi năm cho thu hoạch từ 15 đến 20 tấn quả đem lại nguồn thu nhập ổn định với hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Tương tự gia đình ông Thầm, hộ anh Hoàng Xuân Trang ở thôn Lân Páng, xã Đồng Ý cũng đã thực hiện thành công mô hình này. Anh Trang cho biết: Trước đây, tận dụng đất trống xung quanh nhà, tôi cũng trồng vài cây xoài, na, cam, quýt… và rau gì cũng có, quả gì cũng có, nhưng cuối cùng chẳng có nguồn thu từ cây gì. Thấy có nhiều người làm giàu từ việc cải tạo vườn để trồng cây ăn quả, tôi đã bàn với gia đình mua thêm đất đồi, phá bỏ vườn tạp và lặn lội xuống tận Học viện Nông nghiệp Hà Nội để mua 300 cây giống cam Canh về trồng thử nghiệm. Mặc dù là một loại cây trồng mới, nhưng được sự đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật và cây cũng khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên chỉ sau vài năm, cây cam đã cho thu hoạch. Hiện tại vườn của anh Trang đang có hơn 1.300 cây cam Canh và 400 cây bưởi Diễn. Từ một mảnh vườn tạp, nhờ đầu tư phát triển cây cam Canh và bưởi Diễn, gia đình anh Trang đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ riêng các xã: Vũ Sơn, Đồng Ý mà hiện nay nhiều xã khác ở huyện Bắc Sơn như: Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Long Đống, Hưng Vũ…, phong trào cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả được người dân tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Dương Đức Cường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Sơn cho biết: người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo vườn; bên cạnh cây trồng chủ lực là quýt vàng thì đã mạnh dạn trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả khác như bưởi Diễn, cam Canh, thanh long, ổi, táo đại… Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, đồng thời được huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây ăn quả phát triển tốt, ít bị sâu bệnh phá hại, cho sản lượng và chất lượng tốt. Nhờ đó, sản phẩm được các thương lái đến tận nơi thu mua với giá cao giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính những mảnh vườn quanh nhà.

Những kết quả bước đầu trong việc phát triển cây ăn quả ở huyện Bắc Sơn đã mở ra hướng đi mới cho nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập. Để mô hình này phát triển bền vững, trong thời gian tới, huyện Bắc Sơn tiếp tục mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người dân trồng những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, không nên ồ ạt trồng một loại cây, tránh để xảy ra tình trạng cung nhiều hơn cầu…

DƯƠNG THỊ KHUYÊN