Thứ năm,  19/09/2024

Gần 100 doanh nghiệp dự Diễn đàn kinh tế về sản xuất tiêu thụ vải thiều và sản phẩm nông sản đặc trưng

LSO-Hôm nay (8/6), UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực năm 2018. Tham dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
(người mặc áo xanh) tham quan trưng bày vải thiều tại diễn đàn

Về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Về phía nước bạn Trung Quốc có ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo Sở Thương mại Quảng Tây, thị Bằng Tường, huyện Hà Khẩu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang tại diễn đàn, diện tích trồng vải thiều năm 2018 duy trì trên 28.000 ha (giảm gần 1.000 ha so với năm trước), sản lượng ước đạt từ 150-180 nghìn tấn. Riêng vải thiều được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 13.500 ha, sản lượng ước đạt 90 nghìn tấn; theo tiêu chuẩn GlobalGAP có diện tích 218,5 ha, sản lượng đạt trên 10 nghìn tấn. Bình diện chung có thể khẳng định, vải thiều năm 2018 của Bắc Giang có chất lượng cao nhất trong những năm vừa qua.

Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường. Để tập trung khai thông các thị trường tiềm năng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều. Hiện vải thiều Bắc Giang kết nối được với các hệ thống phân phối, bán lẻ tại các siêu thị lớn như Metro; BigC; Co.opmart, các chợ đầu mối hoa quả ở thành phố lớn như Hà nội, TP Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng thị trường ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Ở thị trường quốc tế, vải thiều Bắc Giang có mặt ở hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, vải Bắc Giang cũng đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật bản, EU,…


Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: Chủ trương nhất quán của lãnh đạo tỉnh là luôn tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất để thu hút các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đến với Lạng Sơn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu của Lạng Sơn. Đồng thời tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc phối hợp với Quảng Tây (Trung Quốc) để tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa (nhất là vào thời điểm cao điểm xuất khẩu nông sản); chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, thẩm quyền tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp;…

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Mặc dù vải thiều là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP và GlobalGAP với chất lượng vượt trội. Tuy nhiên, để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Bắc Giang phải thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường; tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát, cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trước mắt, tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ hậu cần hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố để thông tin kết nối cung cầu, ổn định; chào hàng các doanh nghiệp, thương nhân đến đàm phán, tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ động đàm phán với các cơ quan đồng cấp của các nước đã ký FTA với Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản; đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ Visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”; nghiên cứu có cơ chế riêng cho phát triển thị trường các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ như quả vải thiều.

ĐỖ HOẠT