Thứ năm,  19/09/2024

Phòng Kinh tế Hạ tầng và Phát triển nông thôn: Tập thể lao động xuất sắc

LSO- Mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Phòng Kinh tế Hạ tầng và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT) thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phòng KTHT&PTNT đi vào hoạt động theo Quyết định số 2026/QĐ-UBND, ngày 19/12/2014 về việc thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, với chức năng tham mưu, giúp việc cho Chánh Văn phòng Điều phối thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và các dự án phát triển sản xuất. Số lượng biên chế ít (3 biên chế), trong khi khối lượng công việc nhiều, trải rộng ở tất cả các huyện, thành phố, nhưng trong những năm qua, đặc biệt là năm 2017, với sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể, Phòng KTHT&PTNT đã phát huy năng lực, vai trò của mỗi cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phân công, phân nhiệm từng công việc cụ thể. Qua đó đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Giàn tưới nhỏ giọt của HTX Dũng Tiến được đầu tư lắp đặt từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất

Ví dụ như việc tham mưu trong thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Những năm trước đây, việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cào bằng, dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM ở một số nơi kém hiệu quả, không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền nên không tạo ra chuyển biến và nhân rộng được các mô hình sản xuất.

Trước những hạn chế đó, năm 2017, phòng tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng điều phối, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn phát triển sản xuất theo hướng phù hợp hơn, hiệu quả hơn. UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất gần 32 tỷ đồng. Trong đó, trực tiếp lựa chọn và phân bổ vốn cho 3 dự án tổng thể và 14 mô hình phát triển sản xuất gắn với xây dựng nhãn mác sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị để chỉ đạo điểm trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 43 xã xây dựng 56 mô hình phát triển sản xuất. Quy trình lựa chọn, thẩm định mô hình được thực hiện theo đúng định hướng chỉ đạo của tỉnh, hạn chế được tình trạng phân bổ dàn trải, cào bằng và các mô hình được lựa chọn đã phát huy được thế mạnh của địa phương, từng bước tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế, các mô hình điểm hiệu quả từng bước được nhân rộng. Ví dụ như mô hình trồng chanh leo tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Dũng Tiến thực hiện dự án trồng chanh leo ở xã Quốc Khánh đi vào hoạt động. Cây chanh leo được trồng tại đây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động nên còn nhiều hạn chế về nguồn vốn. Chính vì vậy, năm 2017, mô hình này đã được chọn là 1 trong 14 mô hình phát triển sản xuất gắn với xây dựng nhãn mác sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị. Thay vì hỗ trợ dàn trải, cào bằng, HTX đã được hỗ trợ 800 triệu đồng. Cùng với huy động thêm nguồn lực của các thành viên nên HTX nhanh chóng mở rộng diện tích, đầu tư giàn tưới tự động cùng những trang thiết bị thiết yếu khác phục vụ sản xuất. Từ 300 gốc chanh leo ban đầu, hiện nay, HTX đã trồng được trên 4.000 cây và diện tích tiếp tục được mở rộng. Mặc dù số cây đã cho thu hoạch còn ít so với số cây trồng được, nhưng tính ra trung bình mỗi vụ thu hoạch (sau khi trồng 6 tháng cho thu hoạch) đạt từ 40 – 50 triệu đồng.

Cùng với công tác tham mưu, Phòng KTHT&PTNT thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, huyện thực hiện các mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2017, Phòng KTHT&PTNT còn đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Nông Ngọc Đông, Trưởng phòng cho biết: Phòng đã tham gia xây dựng tài liệu tập huấn và tuyên truyền cho các huyện, thành phố về nội dung chương trình xây dựng NTM; tham gia đóng góp vào xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM; hướng dẫn quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM; thực hiện thẩm tra và hoàn thiện bộ hồ sơ thành phố Lạng Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thẩm định hoàn thiện 14 bộ hồ sơ của 14 xã đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017…

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Phòng KTHT&PTNT luôn làm tốt công tác tham mưu, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ những đóng góp đó đã góp phần vào những kết quả chung trong công tác xây dựng NTM của tỉnh. Đến hết năm 2017, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 8,65 tiêu chí/xã, tăng 1,45 tiêu chí so với thời điểm đầu năm 2017; toàn tỉnh giảm 36 xã dưới 5 tiêu chí (từ 46 xã xuống còn 10 xã) và số xã đạt 19/19 tiêu chí là 36/207 xã.

Với những kết quả đạt được, năm 2017, Phòng KTHT&PTNT đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

TÂN AN