Thứ sáu,  20/09/2024

Doanh nghiệp vận tải chèo chống trong giá xăng tăng

LSO-Từ đầu năm 2018 đến nay, giá xăng dầu liên tục có sự điều chỉnh. So với đầu năm, giá xăng dầu hiện tại tăng khoảng 10% đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải tại Lạng Sơn.


Xe taxi của hãng taxi Đồng Đội mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 8,
Chi nhánh xăng dầu Lạng Sơn ngày 13/6/2018

Gần 6 tháng 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã qua 10 lần điều chỉnh. Trong đó, 4 lần tăng giá, 5 lần giữ nguyên, 1 lần giảm giá. Mặc dù có 1 lần giảm giá nhưng mức giảm chỉ từ 300 – 400 đồng/lít. Trong khi đó với 4 lần tăng giá khiến mức giá xăng dầu tăng hơn so với thời điểm kết thúc năm 2017. Ví dụ tính đến 15 giờ ngày 23/5/2018, giá xăng RON 95-III đã tăng 1.221 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92-II đã tăng 1.679 đồng/lít.

Sở dĩ liên tục có sự điều chỉnh giá xăng dầu trong những tháng đầu năm nay và mức giá hiện tại cao hơn so với thời điểm kết thúc năm 2017 là do giá thành phẩm xăng dầu thế giới gần đây tăng rất cao.

Giá bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý tại tỉnh Lạng Sơn từ đầu năm 2018 đến nay cũng tăng khoảng 10% so với ngày 19/1. Cụ thể hiện tại, giá xăng không chì RON 95-IV là 22.140 đồng/lít, tăng 1.150 đồng/lít; xăng không chì RON 95-III 21.940 đồng/lít, tăng 1.160 đồng/lít; xăng sinh học E5 RON 92-II 20.330 đồng/lít, tăng 1.290 đồng/lít; dầu hỏa 16.760 đồng/lít, tăng 1.910 đồng/lít; Diezen và Mazut các loại tăng từ 1.700 – 1.780 đồng/lít.

Ông Hoàng Văn Vinh, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Lạng Sơn cho biết: Việc điều chỉnh và quy định giá xăng dầu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam quyết định. Thời gian qua, chi nhánh đã nghiêm túc triển khai công tác kiểm kê, niêm yết giá, cập nhật giá bán mới và tổ chức bán theo giá quy định của cấp trên tại hệ thống 38 cửa hàng xăng dầu của chi nhánh trong toàn tỉnh.

Doanh nghiệp vận tải vượt khó

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Vận tải ô tô Sơn Đức (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Giá xăng tăng 10% khiến doanh nghiệp đội thêm 10% chi phí nhiên liệu, ước gần 60 triệu đồng cho 45.000 lít xăng/tháng. Do tác động của giá xăng cùng với rất nhiều chi phí khác (bảo hiểm, bến bãi, BOT, lương nhân viên, sửa chữa xe…), lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 4% – 5%. Đơn cử 1 hợp đồng xe 39 ghế từ Lạng Sơn – Hà Nội 2 chiều trong ngày là 4,5 triệu đồng. Trừ các chi phí cộng tiền chênh lệch giá xăng thì công ty còn lãi chưa đến 1/3 mức doanh thu hợp đồng…

Không chỉ có thế, 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi trong tỉnh cũng đang căng thẳng bởi giá xăng hiện nay tác động mạnh đến chi phí phận chuyển. Vì cạnh tranh trên thị trường nên các hãng taxi vẫn giữ nguyên giá cước. Đơn cử giá cước của hãng taxi 766 vẫn giữ nguyên mức 9.000 đồng/km mở cửa, 9.000 đồng/km từ km số 2 – 30, 8.000 đồng/km từ km số 31 trở đi, 80.000 đồng/lượt Lạng Sơn – Đồng Đăng.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Xuất nhập khẩu HGB (hãng taxi 766) cho biết: Doanh nghiệp có trên 200 đầu xe. Giá xăng tăng khiến doanh thu của các lái xe và công ty giảm từ 10% – 20% tổng lợi nhuận. Để kinh doanh ổn định, công ty cắt giảm những chi phí không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý để giảm tình trạng xe đón trượt khách hoặc giảm số kilomet di chuyển đón khách. Một số lái xe đề nghị cơ quan thuế miễn, giảm số tháng đóng thuế trong năm. Công ty đã đề xuất Hiệp hội Vận tải ô tô Lạng Sơn kiến nghị tăng giá cước.

Toàn tỉnh hiện có trên 200 doanh nghiệp vận tải với trên 2.000 đầu xe, ước tiêu thụ khoảng 40.000 m3 xăng dầu/năm. Giá xăng dầu liên tục tăng những tháng đầu năm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là với những doanh nghiệp có số lượng xe và lượng tiêu thụ xăng dầu lớn bởi chi phí nhiên liệu chiếm tới 40% tổng chi phí đầu vào của hoạt động kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Lạng Sơn cho biết: Để cạnh tranh trên thị trường, hiện các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước, không có hiện tượng tăng giá cước trái quy định. Một số doanh nghiệp cố kìm giá nên lợi nhuận thấp thậm chí hòa vốn. Một số doanh nghiệp cố “chèo chống” bằng cách cắt giảm những chi phí không cần thiết để tránh bị thua lỗ. Hiệp hội đã tiếp nhận một số kiến nghị của các doanh nghiệp và đề xuất ngành chức năng xem xét điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

Theo ông Đào Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái (Sở GTVT): Việc tăng giá cước vận tải tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Do đó việc điều chỉnh, tăng giá cước sẽ được sở phối hợp với ngành chức năng xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Cùng đó sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tăng giá cước, giá vé trái quy định.

MINH ĐỨC