Thứ sáu,  20/09/2024

Chi Lăng: Không để na “bẩn” trên thị trường

LSO- Khoảng 2 tháng nữa, na Chi Lăng bắt đầu cho thu hoạch. Để đảm bảo na sạch, an toàn, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn và người dân chủ động các biện pháp.

Những ngày trung tuần tháng 6/2018, chúng tôi đến huyện Chi Lăng, dọc  quốc lộ 1A, chân núi đá, nhiều vườn na xanh mướt, quả to đều, người dân đang tập trung chăm sóc.

Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi có 800 cây na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cây phát triển tốt, không sâu bệnh gây hại. Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, phân bón phải có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng đúng liều lượng theo từng giai đoạn; phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt sử dụng thuốc sinh học phun định kỳ, hạn chế được các loại sâu bệnh gây hại.

Việc sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải có kinh phí để thực hiện, vì vậy, mặc dù nhiều hộ trồng na chưa thực hiện được theo VietGAP, nhưng cũng tập trung sản xuất na an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Người dân thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng chăm sóc na

Ông Lê Văn Dục, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi có gần 500 cây na, tôi trồng theo hướng sản xuất na an toàn. Tôi được cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân theo từng thời điểm, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh có nguồn gốc rõ ràng; phun thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Trên cây na thời điểm ra quả, lo ngại nhất là ruồi đục quả. Được sự hỗ trợ của huyện, tôi dùng bẫy bả để bẫy ruồi trên toàn bộ diện tích, hạn chế việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó đảm bảo quả na khi xuất bán trên thị trường chất lượng thơm ngon và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Không chỉ người dân xã Chi Lăng mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện sản xuất na an toàn. Tại xã Quang Lang, ông Linh Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có trên 350 ha na, trong đó có 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích còn lại, xã triển khai tới người dân thực hiện trồng theo hướng sản xuất na an toàn. Qua đó, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc na an toàn; tổ chức cho 100% người dân trồng na ký cam kết thực hiện sản xuất na an toàn.

Hiện trên địa bàn huyện Chi Lăng có trên 1.500 ha na, để đảm bảo sản phẩm na sạch tới người tiêu dùng, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện các biện pháp. Theo đó, năm nay, cơ quan chuyên môn triển khai thêm 50 ha na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Chi Lăng, Mai Sao, nâng tổng diện tích na theo tiêu chuẩn VietGAP lên khoảng 150 ha. Đối với diện tích na còn lại thực hiện sản xuất na an toàn theo Thông tư 51/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để quả na ngày càng đứng vững trên thị trường, đảm bảo na sạch tới người tiêu dùng, phòng tham mưu cho UBND huyện quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, người dân chú trọng các biện pháp chăm sóc, sản xuất na an toàn và mở rộng diện tích na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức được 70 lớp tập huấn hướng dẫn người trồng na về các chuyên đề như: phân bón vi sinh; tỉa cành tạo tán; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại…; cấp trên 4.500 hộp thuốc dẫn dụ, trên 1.200 lít thuốc bả sinh học để bẫy bả diệt ruồi đục quả na… Qua đó đảm bảo quả na an toàn tới tay người tiêu dùng.

ĐỖ HOẠT