Thứ năm,  19/09/2024

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Bước chuyển ở Lộc Bình

LSO- Những năm gần đây, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Lộc Bình đã có những chuyển biến rõ nét.

Thực hiện Chương trình hành động số 30, ngày 10/11/2014 của UBND tỉnh; Chương trình số 22, ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, UBND huyện Lộc Bình đã ban hành Kế hoạch số 195, ngày 25/11/2016 về triển khai thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020 và các chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện, UBND huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM và các chương trình phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp đến gần hơn với người dân đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; công tác chăn nuôi, lâm nghiệp được quan tâm thực hiện…

Người dân xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình chăm sóc chanh leo

Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Lĩnh vực trồng trọt tiếp tục được đổi mới và cải tạo về cơ cấu giống cây trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống để thâm canh, tăng năng suất. Ví dụ cây lúa, năm 2013, diện tích trồng toàn huyện là 7.055,6 ha, sản lượng trên 28 nghìn tấn, thì năm 2016, diện tích trồng giảm còn 6.736,72 ha nhưng sản lượng vẫn đạt 28,5 nghìn tấn. Tăng năng suất, chất lượng đã giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Ông Chu Văn Lỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: Mô hình trồng lúa Nhật và khoai tây giống mới được triển khai ở xã 2 năm trở lại đây đã đem lại thu nhập cao hơn 7-8,5 triệu đồng/ha cho người nông dân.

Cùng với việc áp dụng thâm canh tăng vụ, tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến, giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, cây đặc sản của huyện như: khoai lang, củ đậu, ớt, rau…chuyển dịch từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường. Ví dụ như cây khoai lang, năm 2013, toàn huyện trồng 378,67 ha, sản lượng đạt 2.328,82 tấn, năm 2017, diện tích trồng là 589,59 ha, sản lượng đạt 4.254,48 tấn, hiện khoai lang trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện và UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quy hoạch vùng sản xuất khoai lang theo hướng hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây khoai lang trên địa bàn.

Cùng với việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các mô hình liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp đã hình thành và được nhân rộng như khu sản xuất tập trung lúa gạo chất lượng cao tại Yên Khoái, Đồng Bục, Hữu Khánh, Xuân Mãn liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn; vùng cây thuốc lá tại các xã: Sàn Viên, Đông Quan liên kết với Công ty Cổ phần thuốc lá Ngân Sơn….

Cùng với lĩnh vực trồng trọt, các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…cũng có những chuyển biến sau khi thực hiện tái cơ cấu. Trong đó nổi bật tập trung chăn nuôi dê, ngựa ở các xã: Hữu Lân, Minh Phát; chăn nuôi bò tại các xã: Mẫu Sơn, Nam Quan, Xuân Dương, Ái Quốc, Tam Gia, Tú Mịch…; tiếp tục mở rộng diện tích trồng thông, tăng độ che phủ rừng từ 51,5% năm 2013 lên 60% năm 2017.

Những chuyển biến trong tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, qua đó góp phần vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Đến nay, huyện có 3/27 xã đạt 19/19 tiêu chí, năm 2018 phấn đấu có thêm 1 xã đạt 19/19 tiêu chí và huyện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

TÂN AN