Thứ năm,  19/09/2024

Doanh nghiệp Lạng Sơn: Đoàn kết – đổi mới – đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

LSO- Đáp ứng nguyện vọng của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp nữ thành phố Lạng Sơn, Hiệp hội Du lịch, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; được sự động viên khích lệ của Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2012, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn được thành lập.

Ngay sau đại hội và xuyên suốt nhiệm kỳ, Ban Chấp hành hiệp hội cùng hội viên tập trung sức lực, trí tuệ để tổ chức triển khai một số nhiệm vụ chính. Về tổ chức hội, hiệp hội đã có nhiều cố gắng và từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình nhằm tập hợp, đoàn kết, kết nối, hỗ  trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp; là cầu nối giữa doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các huyện, thành phố. Tập hợp thêm nhiều hội viên và hình thành các chi hội, câu lạc bộ trực thuộc.

Hiệp hội tập hợp ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp đến các cấp, tư vấn, động viên, khích lệ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cảnh báo, định hướng doanh nghiệp hội viên nắm bắt các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân theo nghị quyết của Đảng và sự điều hành của Chính phủ.

Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trong cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Động viên, khích lệ các doanh nghiệp và doanh nhân tham gia vào các chương trình thi đua do tỉnh phát động, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Sản xuất tôn cách nhiệt tại Công ty TNHH MTV Sản xuất cơ khí Thu Giang

Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản xuất, sử dụng lao động có hiệu quả, tiết kiệm đất đai và đảm bảo môi trường theo quy định, có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Trong nông nghiệp, ngoài những điển hình như: vùng na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm…một số doanh nghiệp đã đầu tư vào cây có múi như: cam, bưởi; cây thạch đen; quả chanh leo và các mô hình du lịch sinh thái tại một số huyện như: Bắc Sơn, Bình Gia.

Hiệp hội Doanh nghiệp đã động viên doanh nghiệp thành viên tham gia các chương trình an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới. Câu lạc bộ nữ doanh nhân đã có sáng kiến phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh hình thành “Nồi cháo tình thương” ở một số bệnh viện; tích cực tham gia các chương trình tặng quà, an sinh xã hội.

Hiệp hội cũng chủ động phản biện và tham gia đề xuất với tỉnh có những cơ chế cụ thể để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển như: quyết định chuyển quỹ bảo lãnh tín dụng thành quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và tăng nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức kết nối nhiều chương trình tín dụng thiết thực giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp; Chủ tịch UBND tỉnh ký cam kết với Hiệp hội Doanh nghiệp về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… Sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự chủ động sáng tạo của Thường trực hiệp hội đã tiếp thêm khát vọng, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ phải sang) tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế của một tỉnh không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có những chiến lược dài, những quyết sách táo bạo và quyết liệt. Từ thực tế cho thấy những năm qua, sự thành lập, phát triển của doanh nghiệp trong tỉnh còn có những khó khăn cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách, trong đó chú trọng các lĩnh vực như: mặt bằng, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; khả năng tìm kiếm thị trường; năng lực quản trị của doanh nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao; môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính…

Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, cần có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn phát triển; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; mở rộng sản xuất, kinh doanh để thiết thực đóng góp vào sự nghiệp chung, Hiệp hội Doanh nghiệp xin có một số kiến nghị:

Một là, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, rõ đầu mối, thời gian và cấp, ngành chịu trách nhiệm cụ thể.

Hai là, hằng năm tỉnh dành nguồn vốn, ngoài vốn xã hội để đầu tư hạ tầng và mặt bằng các cụm, khu công nghiệp và cung cấp các dịch vụ kết nối như: điện, nước, xử lý môi trường, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ba là hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo.

Bốn là có chính sách cụ thể hỗ trợ đối với doanh nghiệp khi doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất hoặc thay đổi phương thức sản xuất.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức cầu nối, thực hiện chủ trương của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng và hình thành một số doanh nghiệp chiến lược ở mỗi lĩnh vực; kiến nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, cho doanh nghiệp đủ sức làm đối tác kêu gọi đầu tư, liên danh và thực hiện một số nhiệm vụ chiến lược của tỉnh. Tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn đoàn kết – đổi mới để hội nhập và đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.

ĐOÀN BÁ NHIÊN (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh)