Thứ hai,  08/07/2024

Giữ rừng phòng hộ: Bài học từ Tràng Định

(LSO) – Vụ việc phá rừng phòng hộ tại xã Kim Đồng, huyện Tràng Định lại tiếp tục “nóng” lên bởi vụ việc không chỉ liên quan đến người dân mà liên quan đến cả cán bộ phòng nông nghiệp, hạt kiểm lâm huyện. Nội dung bài viết này, Báo Lạng Sơn không đề cập đến vụ việc mà cơ quan công an đang điều tra mà chỉ nêu những khó khăn trong bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, đồng thời vẫn phải đảm bảo cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Lộc Bình tuần tra, kiểm soát trong rừng

     Người dân phá rừng vì… thiếu đất sản xuất

Vào tháng 7/2017, qua điều tra, Công an huyện Tràng Định khởi tố 19 đối tượng về hành vi hủy hoại hơn 25 ha rừng phòng hộ trên địa bàn thôn Nà Múc, xã Kim Đồng. Qua điều tra, những người tham gia phá rừng đều là người dân trong thôn.

Việc người dân chặt, phá rừng phòng hộ đã rõ, hành vi này cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Nhưng điều đáng nói là vụ việc người dân chặt, phá rừng phòng hộ không phải để lấy gỗ mà muốn có đất để canh tác và trồng một số loại cây giá trị khác.

Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Diện tích rừng phòng hộ của huyện khá lớn, phần lớn nằm trên địa bàn những xã vùng sâu, xã khó khăn như: Chí Minh, Kim Đồng, Chi Lăng… Cuộc sống của nhân dân tại những xã này chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong khi đó, bà con lại đang thiếu đất sản xuất. Phần nữa do thiếu hiểu biết nên suy nghĩ của bà con là phá rừng nhằm mục đích “khai hoang” để lấy đất sản xuất. Nhưng diện tích rừng bị phá sẽ không lớn đến vậy nếu cơ quan chức năng kịp thời phát hiện để ngăn chặn. Tìm hiểu được biết, những người dân ở thôn Nà Múc đã thực hiện hành vi chặt, phá rừng để trồng một số loại cây khác trong khoảng 2 năm (từ 2015 – 2017) mới bị phát hiện.

Trao đổi về công tác quản lý khu vực rừng phòng hộ nói trên, ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Tràng Định là 13.871,78 ha. Đây là huyện có diện tích rừng phòng hộ nhiều thứ hai trong toàn tỉnh (chỉ sau huyện Đình Lập với hơn 15.000 ha). Diện tích lớn, nên 1 cán bộ kiểm lâm phải phụ trách địa bàn 4 xã. Trong vụ người dân chặt phá hơn 25 ha rừng phòng hộ tại khu vực xã Kim Đồng, cán bộ phụ trách địa bàn không xuống địa bàn để kiểm tra thực địa. Liên quan đến vụ việc, cán bộ kiểm lâm này đã bị cơ quan công an khởi tố điều tra. Liên quan trách nhiệm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Mặc dù thời điểm xảy ra sự việc, bản thân chưa được phân công về hạt nhưng để vụ việc xảy ra trong một thời gian dài như vậy thì hạt cũng phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ.

Không chỉ Hạt Kiểm lâm huyện mà các cấp chính quyền của huyện Tràng Định cũng có trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, kiểm tra, bảo vệ rừng.

     Tìm giải pháp

Mặc dù thời gian qua, người dân trong khu vực đã được Nhà nước giao khoán quản lý bảo vệ, và những hộ tham gia bảo vệ rừng phòng hộ cũng được nhận kinh phí, nhưng tại sao chính những “chủ rừng” này lại là những người chặt phá rừng?

Chia sẻ về điều này, ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Kinh phí cho người dân trong việc khoán quản lý bảo vệ rừng còn thấp, chưa thể đảm bảo đời sống và như vậy sẽ không tạo thành động lực để bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, diện tích rừng phòng hộ lớn (chỉ đứng sau rừng sản xuất) nhưng lâm sản phụ của rừng phòng hộ rất nghèo, do vậy, người dân sẽ không có thu nhập tăng thêm. Ngoài ra cũng phải đề cập đến thực trạng một số diện tích thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ song lại chưa có rừng, và phần lớn diện tích rừng phòng hộ lại ở khu vực, địa bàn vùng sâu, xã biên giới – nơi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất.

Là người từng có thời gian công tác khá lâu trong ngành nông nghiệp, ông Lý Văn Lâm đề xuất: Rừng phòng hộ là để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên, mục tiêu khác của rừng phòng hộ là đảm bảo cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phát triển kinh tế – xã hội, do vậy, để bảo vệ rừng phòng hộ hiệu quả, ngoài việc tiếp tục giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng; cần rà soát lại diện tích rừng phòng hộ, trong đó xem xét lại những khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu. Qua đó đánh giá lại hiện trạng rừng, đồng thời thực hiện “xã hội hóa” trồng rừng trong khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu, tức là có thể cho phép người dân trồng một số loại cây không lấy gỗ như: trám, quế, hồi… Những loại cây này sẽ mang lại thu nhập cho người dân mà không ảnh hưởng đến mục tiêu phòng hộ.

Rừng phòng hộ có vai trò, giá trị to lớn đối với đời sống xã hội. Thiết nghĩ, cần phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những bất cập trong công tác phát triển, bảo vệ rừng phòng hộ. Theo những người công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp thì giải pháp thiết thực nhất cần triển khai, đó là Nhà nước có cơ chế, chính sách tối ưu hơn trong giao khoán bảo vệ rừng, khi đó người, dân sẽ là lực lượng bảo vệ rừng tích cực nhất.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh hiện có 131.906,72ha. Diện tích rừng phòng hộ có 2 loại: diện tích rừng phòng hộ có sẵn (tự nhiên) và diện tích rừng phòng hộ trồng mới theo diện tích trong quy hoạch.
TRÍ DŨNG