Ảnh minh họa

Nhiều kết quả nổi bật

Theo báo cáo của các tỉnh phía Bắc, đến hết tháng 11/2018, các địa phương đã trồng được 157.202 ha rừng, ước đến hết tháng 12/2018 các tỉnh phía Bắc trồng được 167.338 ha rừng trồng tập trung.

Bên cạnh đó, ước tính khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong 10 tháng năm 2018 đạt 15,5 triệu m3, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực phía Bắc 10 tháng ước đạt 9,3 triệu m3; cả năm ước đạt 11,3 triệu m3. Nguồn nguyên liệu trong nước đã từng bước đáp ứng được yêu cầu cho công nghiệp chế biến với khoảng trên 70% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến trong nước, trong khi đó, trước năm 2010, lượng nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 70-80% nhu cầu.

Trên lĩnh vực trồng rừng thay thế, lũy kế đến hết tháng 11 năm 2018, đã trồng được 31.870 ha/32.589 ha rừng thay thế. Trong đó, các dự án thủy điện 13.862 ha, đạt 120% tổng diện tích; các dự án kinh doanh 11.859 ha, đạt 74% tổng diện tích; các dự án công cộng 6.149 ha, đạt 123%.

Đặc biệt, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã xây dựng Đề án, Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Riêng thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, đến hết tháng 11/2018 đã trồng được 194.351 ha/142.000ha theo kế hoạch. Cùng với đó, đến hết tháng 11/2018 đã chuyển hóa được 29.538 ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên diện tích 56.600 ha cần trồng theo kế hoạch.

Cùng với đó, triển khai Đề án phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, đến nay, đã có 4 mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Trị. Trên cơ sở tham gia của trên 1.200 hộ, 5 công ty lâm nghiệp nhà nước với 3 công ty chế biến sản xuất đồ gỗ, diện tích đưa vào liên kết trên 15.400 ha, hiện nay đang được nhân rộng sang các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế.

Công tác bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, công tác lâm nghiệp tại các tỉnh phía Bắc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý. Còn những điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ.

Tiến độ sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Quá trình hoàn thiện cơ cấu tổ chức các công ty chậm trễ, dẫn đến nhiều cán bộ, viên chức, người lao động tại một số đơn vị giao động tư tưởng theo hướng tiêu cực và không an tâm công tác. Cùng với đó là việc chậm bàn giao diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các Công ty lâm nghiệp sau khi giải thể.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các ngành, các cấp và người dân trong công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo của xã hội vào công tác bảo vệ rừng.

Cùng với đó, kết quả trồng rừng tập trung không đồng đều giữa các vùng, một số vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhưng kết quả phát triển rừng còn thấp như các tỉnh vùng Tây Bắc.

Nguồn vốn đầu tư để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững được bố trí thấp, do theo quy định của Luật Đầu tư công, các địa phương hoàn toàn chủ động trong việc việc phân bổ, bố trí vốn đầu tư cho các dự án trên địa bàn. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, các địa phương ưu tiên phân bổ cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, chưa ưu tiên phân bổ để thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng.

Song song với đó là kết quả cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Đẩy mạnh công tác sản xuất và mở rộng thị trường trong năm 2019

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2019, các tỉnh phía Bắc có nhiệm vụ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Trong đó, bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng, kế hoạch trồng rừng thay thế; quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 150.000 ha, trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 10.000 ha; trồng rừng sản xuất 140.000 ha. Trồng 30 triệu cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh rừng 300 nghìn ha/năm.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, đẩy nhanh công tác giải ngân để chi trả cho chủ rừng; nghiên cứu, thí điểm mở rộng đối với các lĩnh vực có nhiều tiềm năng (du lịch sinh thái, cơ sở sản xuất công nghiệp),…

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Phân cấp rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp. Tăng cường sự phối hợp các lực lượng trong việc bảo vệ rừng; xác định rõ cơ chế để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng.

Song song với đó, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành; triển khai Luật Lâm nghiệp, 4 Nghị định và 7 Thông tư hướng dẫn thực thi Luật Lâm nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách mới để triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp.

Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định;chuẩn bị đủ cây giống đảm bảo chất lượng và hiện trường trồng rừng năm 2019; lựa chọn loài cây trồng phù hợp, trồng đúng thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và công tác bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rừng thâm canh.

Về thị trường, cần duy trì và mở rộng các thị trường truyền thống gồm có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, EU và phát triển các thị trường mới như Úc, Canada, Ấn Độ, Nga. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế./.