Thứ sáu,  20/09/2024

Đoàn công tác Bộ Công thương kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than tại Lạng Sơn

LSO-Ngày 11/12, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì làm việc với Sở Công thương Lạng Sơn về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh.


Đại diện đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc với Sở Công thương
và các ngành liên quan

Làm việc với đoàn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 2 đơn vị khai thác than gồm Công ty Than Na Dương – VVMI, khai thác than nâu tại mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình để cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương với công suất 512.700 tấn/năm, không bán ra thị trường; Công ty Khoáng sản và Thương mại Tiến Hiếu, khai thác mỏ than bùn trầm ải tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia để làm nguyên liệu trực tiếp phục vụ nhà máy sản xuất phân bón của công ty.

Cùng đó, trên địa bàn tỉnh có một Trạm chế biến, kinh doanh Than Lạng Sơn – Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Bắc Lạng, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Kinh doanh than Miền Bắc – Vinacomin. Đơn vị chủ yếu nhập và phân phối than cám 6, than cục để phục vụ nhu cầu chất đốt, sinh hoạt, sản xuất than tổ ong, luyện quặng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh than trên địa bàn thời gian qua diễn ra ổn định, Lạng Sơn không phải là điểm nóng về tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác yêu cầu ngành công thương và các ngành liên quan của tỉnh Lạng Sơn chú trọng quản lý nguồn cung và thị trường tiêu thụ than của các đơn vị. Đồng thời, về lâu dài cần tham mưu cho tỉnh quy hoạch khu vực được phép kinh doanh than, hoàn thiện quy định về điều kiện kinh doanh than và thực hiện tuyên truyền rộng dãi trên các phương tiện truyền thông, trang tin ngành.

Trong chương trình làm việc, đoàn kiểm tra thực tế tại Trạm chế biến, kinh doanh Than Lạng Sơn và Công ty Than Na Dương.

Tại các điểm kiểm tra, đoàn yêu cầu các đơn vị trong quá trình hoạt động cần đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn. Riêng Công ty Than Na Dương cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở rộng quy mô mỏ và sản lượng để đảm bảo phục vụ kịp thời và đủ than cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn II tới đây.

Ngành công thương Lạng Sơn và Công ty Than Na Dương cũng kiến nghị với đoàn công tác quan tâm, đề nghị Tổng Công ty Điện lực – TKV đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhiệt điện Na Dương giai đoạn II để hạn chế ảnh hưởng đến dân cư vùng lân cận và đảm bảo kế hoạch sản xuất than trên địa bàn.

YÊN SƠN