Thứ hai,  08/07/2024

Ngân hàng – doanh nghiệp: Đồng hành nâng cao chất lượng tín dụng

(LSO) – Thời gian qua, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, nguồn vốn được khơi thông giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng cũng được nâng cao.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có mặt 14 ngân hàng thương mại đang hoạt động. Trong những năm gần đây, nhất là năm 2018, các ngân hàng đã tăng cường huy động vốn, đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp. Sự thay đổi lớn đó là ngân hàng đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu vay vốn, tư vấn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các gói vay ưu đãi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn, tính đến tháng 1/2019, trên địa bàn tỉnh có 981 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, tăng 135 doanh nghiệp so với thời điểm 31/12/2017; tổng dư nợ cho vay đạt 10.421 tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng dư nợ, tăng 489 tỷ đồng (5%). Trong đó, năm 2018 có 117 doanh nghiệp được giảm lãi suất, với số tiền được giảm  hơn 1 tỷ đồng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank Lạng Sơn

Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Năm 2018, ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp gắn với chương trình bình ổn thị trường; tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng và phối hợp cùng chính quyền tỉnh, quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Điển hình như trong năm 2018 có 5 ngân hàng thương mại cam kết cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường vay vốn với tổng số tiền 153 tỷ đồng, mức lãi suất ngắn hạn phổ biến từ 6,5 – 8,5%/năm và trung hạn là 10%/năm.

Với sự chủ động của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2018 toàn ngành đã vượt kế hoạch trung ương giao, cơ cấu tín dụng chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và của tỉnh. Tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản được kiểm soát, giảm tốc độ tăng phù hợp. Tính đến hết năm 2018, tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 510 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2017 nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn và chiếm 1,8% dư nợ.

Ông Phạm Văn Đương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Sơn cho biết: Là doanh nghiệp xây dựng và thực hiện dự án bất động sản nên chúng tôi cần nguồn vốn rất lớn, đôi khi cần huy động trong khoảng thời gian ngắn, quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều năm nay, nhất là từ năm 2016 trở lại đây, doanh nghiệp luôn chủ động, phối hợp, chia sẻ thông tin về tài chính, tình hình triển khai các dự án với ngân hàng, trong đó đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn, từ đó, hai bên đồng hành thực hiện các hợp đồng tín dụng hiệu quả.

Với sự hợp tác của doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã chuyển biến tích cực và được kiểm soát trong mức an toàn theo đúng mục tiêu đề ra hằng năm. Riêng năm 2018, các khoản nợ xấu được xử lý đạt hơn 800 tỷ đồng. Đặc biệt, một tín hiệu tốt là số lượng khách hàng chủ động hợp tác với ngân hàng để trả số nợ quá hạn lâu (nợ xấu) tăng 88,5% so với năm 2017 với số nợ được xử lý đạt gần 30% tổng số nợ xấu.

Để nâng cao chất lượng tín dụng và tiếp tục phát huy hiệu quả của sự đồng hành giữa ngân hàng – doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn đã  có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục nghiêm túc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính và chương trình hành động của ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo đúng chủ trương mà tỉnh đã đề ra từ nay đến năm 2020.

YÊN SƠN