Thứ hai,  08/07/2024

Lộc Bình đẩy mạnh phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

LSO-Lộc Bình là huyện biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và có tuyến quốc lộ 4B qua địa bàn thông thương với tỉnh Quảng Ninh. Cả Trung Quốc và tỉnh Quảng Ninh đều có lợn bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, do vậy, nguy cơ lây lan sang địa bàn là rất lớn. Không những thế, những ngày qua (tính đến ngày 12/3/2019), trên địa bàn huyện đã có 2 hộ xảy ra hiện tượng lợn chết chưa rõ nguyên nhân. Trước thực trạng như vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được huyện triển khai quyết liệt hơn.

Người dân xã Xuân Mãn rắc vôi bột khử trùng khu vực chuồng nuôi lợn

Ngày 10/3/2019, sau khi phát hiện đàn lợn bị ốm (có con đã bị chết), ông Mã Ngọc Khăm, thôn Nà Lùng, xã Xuân Mãn đã báo với chính quyền xã. Nhận được tin báo, chính quyền và thú y viên xã báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh và việc lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm đã được thực hiện kịp thời. Huyện, xã đã thực hiện tiêu hủy toàn bộ 11 con lợn (3 con bị chết) của gia đình ông Khăm.

Ông Hứa Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Xuân Mãn – thành viên Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xã cho biết: Tính đến ngày 12/3/2019, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn chết của hộ ông Khăm, nhưng toàn bộ số lợn ốm, chết đều được đưa đi tiêu hủy theo quy định. Cùng với đó, cán bộ chuyên môn và xã cũng thực hiện nghiêm việc phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ khu vực có lợn ốm, chết. Để chủ động hơn nữa trong phòng chống, xã thành thành lập Ban chỉ đạo cấp xã về các vấn đề cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; ở các thôn thành lập các tổ phun tiêu độc khử trùng, chốt chặn ở đầu thôn để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn.


Cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã Xuân Mãn kiểm tra rắc vôi bột
tại hộ ông Mã Ngọc Khăm, thôn Nà Lùng có lợn chết chưa rõ nguyên nhân

Hiện nay, ở huyện Lộc Bình, ngoài xã Xuân Mãn, tại Khu Sơn Hà, thuộc địa bàn thị trấn Na Dương cũng đã có một hộ có 3 con lợn bị chết, chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số lợn chết và tiến hành các biện pháp phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực gia đình có lợn chết; thực hiện khoanh vùng với bán kính 3 km từ hộ có lợn chết và nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn tại địa bàn.

Toàn huyện Lộc Bình hiện có gần 5.500 hộ chăn nuôi lợn với tổng số trên 30.000 con. Để chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, từ tháng 9/2018 đến nay, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động các biện pháp; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 9/3/2019, huyện mở lớp tập huấn triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho lãnh đạo, thú y viên, khuyến nông viên các xã, thị trấn trên địa bàn với trên 80 người tham dự; tuyên truyền, phát tài liệu và tổ chức cho trên 2.000 hộ kinh doanh giết mổ, hộ chăn nuôi gia súc ký cam kết tuân thủ pháp luật thú y. Đồng thời, huyện cũng chuẩn bị 200 lít thuốc sát trùng, 4 máy phun tiêu độc khử trùng để ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra.

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện 2 hộ thuộc thị trấn Na Dương và xã Xuân Mãn có lợn bị chết. UBND huyện báo cáo với cấp trên và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiến hành tiêu hủy hoàn toàn số lợn ốm, chết. Cùng với đó thực hiện các biện pháp phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại hộ có lợn chết… Huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên về triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, nỗ lực không để phát sinh ổ dịch tại địa bàn huyện. Trường hợp phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, huyện triển khai ngay các giải pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo kế hoạch của UBND huyện và hướng dẫn của Chi cục Thú y tỉnh.

ĐỖ HOẠT – HOÀNG CƯỜNG