Thứ sáu,  20/09/2024
Dịch bệnh trên lợn

Hiểu đúng để tránh hoang mang

LSO-Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và thông tin hàng trăm trẻ mầm non ở tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hoang mang và có xu hướng tẩy chay thịt lợn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần hiểu đúng về các loại dịch bệnh này để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi.


Đã cuối ngày nhưng một số hàng thịt lợn vẫn còn rất nhiều

Thời gian gần đây trên địa bàn Lạng Sơn xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt về các dịch bệnh trên lợn, gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng đối với người tiêu dùng trong vấn đề sử dụng thịt lợn làm thực phẩm, thậm chí có hiện tượng quay lưng tẩy chay thịt lợn, gây ảnh hưởng trong vấn đề tiêu dùng thực phẩm và lĩnh vực chăn nuôi lợn.

Chị Nguyễn Thị Uyển, đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh cho biết: “Đọc và xem nhiều tin tức trên mạng xã hội về dịch tả lợn châu Phi, sán ở lợn… tôi thấy rất hoang mang vì không biết thịt lợn mình sử dụng có chắc chắn an toàn không. Vì thế thời gian gần đây gia đình tôi chuyển sang ăn loại thực phẩm khác như thịt bò, cá, tôm… cho yên tâm, khi nào tình hình dịch bệnh ổn định thì mới ăn lại”.


Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại chợ Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Có mặt tại một số chợ trung tâm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Giếng Vuông, Đông Kinh, Chi Lăng… vào giờ tan tầm, chúng tôi nhận thấy tại các quầy bán thịt lợn và các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn khá thưa thớt người mua.

Chị Trần Thị Tuyết, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đông Kinh cho biết: Nếu như trước đây mỗi ngày nhà tôi bán đều đều được 2 con lợn thì thời gian này chỉ bán được có 1 con. Thậm chí có hôm 1 con còn không hết, cả ngày chỉ bán được gần 1 triệu tiền hàng. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân hiểu, để chúng tôi buôn bán dễ dàng hơn.

Cũng như chị Tuyết, chị Hà Thị Thanh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Chi Lăng cũng than thở: Hàng thì ế ẩm, người mua giảm hẳn gần một nửa so với trước. Người mua thì giảm nhưng đầu vào thịt lợn hơi vẫn giữ giá cho nên các tiểu thương như chị nhiều khi phải chấp nhận chịu lỗ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg thịt để bán cho hết hàng.

 
Thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm tra, đóng dấu

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh, thành phố đang tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Thành phố Lạng Sơn hiện có 52 hộ giết mổ lợn, trung bình mỗi ngày giết mổ từ 5 – 10 con lợn. Tất cả lợn trước khi mang ra tiêu thụ ngoài thị trường đều được ngành thú y thành phố kiểm tra, kiểm soát giết mổ nghiêm ngặt, đảm bảo không có bệnh tích thì ngành chức năng mới đóng dấu cho phép lưu hành trên thị trường.

Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lạng Sơn cũng thường xuyên giám sát, kiểm tra tại 20 trường mầm non, tiểu học có bếp ăn tập thể, 10 cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, chủ động phát hiện, ngăn chặn sớm dịch bệnh.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng được các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên thông tin, tuyên truyền về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt không tẩy chay thịt lợn.

Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế cho biết: “Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người tiêu dùng nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”, chế biến hợp vệ sinh, không ăn thịt lợn tái, tiết canh, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo  vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Vừa qua, trên mạng xã hội có nhiều thông tin sai sự thật về các dịch bệnh ở lợn gây hoang mang dư luận. Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn đã xử lý hai cá nhân về việc phát tán những thông tin thất thiệt, thông tin sai sự thật về dịch bệnh lợn.

Vì thế, người dân nên cẩn trọng trước các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, yên tâm khi sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

TRANG VÂN – HÀ CHUYÊN