Thứ sáu,  20/09/2024

Giải phóng mặt bằng đường Hữu Nghị – Bảo Lâm: Sớm giải quyết dứt điểm các vị trí vướng mắc

(LSO) – Công trình đường Hữu Nghị – Bảo Lâm có chiều dài hơn 9,3 km là dự án thuộc danh mục đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, được triển khai thi công từ năm 2014. Sau hơn 5 năm thực hiện xây lắp, các đơn vị thi công mới đổ bê tông mặt đường được khoảng 7 km/9,2 km toàn tuyến. Nguyên nhân dự án chậm do giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc chậm được xử lý.

Căn nhà 3 tầng của hộ ông Lương Văn Ngự bị ảnh hưởng bởi dự án đường Hữu Nghị – Bảo Lâm, gia đình ông vẫn chưa nhận tiền bồi thường

Hộ ông Lương Văn Ngự, trú tại thôn Pò Nhùng, xã Bảo Lâm có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án tại km 9+070 đến km 9+120, bao gồm: một ngôi nhà 3 tầng, sân vườn, cây cối hoa màu, nằm sát với tuyến đường. Năm 2015, huyện Cao Lộc phê duyệt phương án bồi thường cho gia đình trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng, nhưng đến nay, gia đình ông vẫn chưa đồng ý nhận tiền đền bù. Lý giải về không nhận bồi thường, gia đình ông Ngự cho rằng, giá đền bù thấp và nếu nhận số tiền đó sẽ không đủ để xây dựng một căn nhà mới tương tự như căn nhà hiện tại. Trường hợp hộ ông Ngự chỉ là một trong số gần 10 vị trí hiện đang vướng mắc trên toàn tuyến với tổng chiều dài khoảng trên 500 m. Việc mặt bằng không được giải phóng liền mạch gây khó khăn trong việc triển khai giải pháp xây lắp các hạng mục công trình. Được biết, thực hiện giải phóng mặt bằng dự án này có hai đơn vị đảm nhận gồm: Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc đảm nhận giải phóng mặt bằng từ km 0 đến km 4+400 đầu tuyến và Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (nay đơn vị này được đổi tên là Trung tâm Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn) thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn từ km 4+400 đến km 9+317 thuộc cuối tuyến. Qua thực tế theo dõi cho thấy, các vướng mắc, người dân tập trung kiến nghị chủ yếu vào các vấn đề như: đơn giá bồi thường thấp, việc bố trí tái định cư chậm, phạm vi thu hồi đất chưa đúng so với thiết kế, khi đắp nền đường vị trí nhà thấp hơn so với mặt đường thiết kế… Chẳng hạn như tại vị trí vướng mắc thuộc hộ bà Đoàn Thị Dương, thuộc thôn Còn Áng tại km 7+600 đến km 7+ 650 do vị trí cắm mốc giải phóng mặt bằng bị thiếu so với phạm vi thu hồi, buộc phải kiểm đếm bổ sung. Bà Dương kiến nghị nếu kiểm đếm bổ sung, nhà nước phải phê duyệt phương án bồi thường thỏa đáng.

Nhà thầu thi công tưới nước bảo dưỡng mặt đường bê tông xi măng dự án đường Hữu Nghị – Bảo Lâm

Về nội dung này, Trung tâm Tài nguyên Môi trường đã thực hiện kiểm đếm bổ sung từ cuối năm 2018, đến nay phương án bồi thường bổ sung đang được huyện Cao Lộc xem xét thẩm định phê duyệt. Chính vì việc cắm mốc giải phóng mặt bằng thiếu phải bổ sung khối lượng và phải thực hiện thêm quy trình thu hồi mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng công trình.

Ngày 31/3/2019 khảo sát toàn tuyến dự án, cho thấy hiện các vướng mắc tập trung chủ yếu từ đoạn km 4+400 đến km 9+317 với 7 vị trí vướng mắc kéo dài. Đến nay, tiến độ xử lý của các cơ quan, đơn vị liên quan tại đoạn này rất chậm, chưa quyết liệt. Đây là đoạn tuyến do Trung tâm Tài nguyên và Môi trường tỉnh đảm nhận thực hiện, tuy nhiên vào đầu tháng 3/2019, trung tâm này có báo cáo và xin rút không thực hiện tiếp công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đơn vị này đề nghị huyện Cao Lộc chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc tiếp nhận lại hồ sơ và thực hiện xử lý những vướng mắc còn lại của dự án. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ xử lý những vị trí còn vướng mắc tại dự án. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án cho biết: Sức ép tiến độ của dự án phải hoàn thành trong năm, nhưng đến nay vấn đề mặt bằng của dự án chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn trong việc chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án.

Để sớm giải quyết dứt điểm những vị trí vướng mắc về mặt bằng tại đoạn tuyến từ km 4+400 đến km 9+317, ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Huyện sẵn sàng tiếp nhận lại hồ sơ từ Trung tâm Tài nguyên và Môi trường tỉnh chuyển lại, trên cơ sở hồ sơ, huyện sẽ kiểm tra thực tế, rà soát lại các trường hợp vướng mắc và tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, phấn đấu đến hết quý II năm nay sẽ xử lý xong các vướng mắc và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

TRANG NINH