Thứ sáu,  20/09/2024

Doanh nghiệp vận tải lao đao trước giá xăng dầu tăng

LSO-Từ đầu năm 2019 đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng và hiện đang ở mức cao kỷ lục. Trước thực tế này, doanh nghiệp vận tải Lạng Sơn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Việc điều chỉnh giá cước vận tải do giá xăng dầu cũng không đơn giản như câu chuyện “nước lên thì thuyền lên”.


Nhân viên cửa hàng xăng dầu số 1 Lạng Sơn (số 3B Lý Thái Tổ,
thành phố Lạng Sơn) bán xăng cho khách hàng ngày 7/5/2019

Đội chi phí từ giá xăng dầu tăng

Từ ngày 1/1/2019 đến 2/5/2019, xăng dầu trong nước đã trải qua 4 lần tăng giá. Trung bình mỗi lít xăng, dầu đã tăng từ 4.000 đồng đến trên 4.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến đến chi phí của doanh nghiệp vận tải bởi xăng dầu chiếm khoảng 40% cơ cấu giá cước. Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây khiến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không kịp đưa ra phương án điều chỉnh giá cước, dịch vụ.

Trường hợp Công ty TNHH Một thành viên Thương Mại xuất nhập khẩu Khải Lâm (thành phố Lạng Sơn) là một ví dụ. Công ty có 50 đầu xe container vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc và ngược lại. Chi phí tiền dầu thời điểm đầu năm 2019 khoảng 28 triệu đồng/xe/chuyến.

Do giá xăng dầu tăng liên tục nên những tháng gần đây chi phí tiền dầu của nhà xe đã tăng lên 32 triệu/xe/chuyến. Với mức tăng như vậy, trung bình đơn vị đã đội chi phí lên khoảng 200 triệu/tháng cho tiền dầu.

Ông Hoàng Hồng Hà, Phó Giám đốc công ty cho hay: Chi phí dầu xe tăng nhưng đến hiện tại cước vận chuyển hàng chưa tăng được bởi tăng giá cước dẫn đến việc khách hàng sẽ lựa chọn ký hợp đồng vận chuyển với đơn vị khác do đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Tương tự, hãng taxi Đồng Đội, thành phố Lạng Sơn có 52 đầu xe. 3 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi tháng, hãng chi 230 triệu đồng tiền xăng nhưng giá xăng tăng, trong tháng 4/2019, chi phí này đã đội lên gần 20% tương đương gần 300 triệu/tháng.

Ông Đinh Tuấn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Đồng Đội cho biết: Giá xăng tăng trong khi giá cước dịch vụ taxi giữ nguyên khiến doanh nghiệp đang gồng mình xoay sở để có thể cân đối thu nhập đảm bảo chi trả tiền lương nhân viên, phí cầu đường, sửa chữa phương tiện, đóng các khoản thuế và phí, bến bãi…


Xe khách tuyến cố định đỗ tại Bến xe phía Bắc thành phố Lạng Sơn

Chưa tăng giá cước

Lạng Sơn hiện có trên 200 doanh nghiệp vận tải với gần 2.000 đầu xe. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp vận tải nào trên địa bàn tỉnh đề xuất tăng giá cước, giá dịch vụ.

Nguyên nhân của việc chưa tăng giá bởi còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục và phải đăng ký kê khai, đưa ra phương án giá, báo cáo với Sở Giao thông – Vận tải, Sở Tài chính, cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Lạng Sơn, cho biết: Khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải được phép tăng giá cước, giá dịch vụ trên cơ sở đưa ra phương án, đề xuất hợp lý. Tuy nhiên trước khi quyết định tăng giá, chúng tôi phải suy nghĩ, tính toán ở tất cả các khía cạnh bởi hiện nay, cạnh tranh thị trường gắt gao, nếu tăng giá cước có thể khách hàng sẽ không lựa chọn dịch vụ do mình cung cấp mà sử dụng dịch vụ của đơn vị khác.

Đó là chưa kể khi điều chỉnh giá cước, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải dừng toàn bộ phương tiện, nhất là đối với xe taxi để điều chỉnh lại đồng hồ taximet; doanh nghiệp vận tải cố định còn phải in vé, hóa đơn; doanh nghiệp vận tải hàng hóa sẽ phải điều chỉnh lại phụ lục giá cước trên hợp đồng với sự đồng ý của khách hàng… Với những thủ tục, bước thực hiện rườm rà như vậy và phải tốn kém thêm chi phí khi điều chỉnh nên hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa dám tăng giá.

Như vậy có thể thấy, việc tăng giá cước vận tải, dịch vụ do giá xăng dầu tăng không giống như “nước lên thì thuyền lên”. Vậy để đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước, doanh nghiệp vận tải có thể điều chỉnh, cân đối các khoản chi phí trong hoạt động khi giá xăng dầu tăng. Có như vậy mới mới tiếp tục duy trì và không ảnh hưởng đến việc vận chuyển hành khách, hàng hóa.

MINH ĐỨC