Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả cho vay các chương trình, mục tiêu ưu tiên

(LSO) – Những năm gần đây, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn dành hàng ngàn tỷ đồng vốn vay cho các chương trình, mục tiêu ưu tiên của Chính phủ và hỗ trợ lãi suất của tỉnh để giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

     Tăng trưởng dư nợ

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tính đến hết ngày 30/4/2019, dư nợ cho vay đối với các chương trình, mục tiêu, ưu đãi lãi suất của các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách trên địa bàn đều tăng so năm 2018. Trong đó, lớn nhất là cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ với dư nợ gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2018. Tiếp theo là dư nợ cho vay theo các chương trình chính sách xã hội, gần 3.000 tỷ đồng, tăng 2,6% với hơn 72 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Lạng Sơn 

Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, ngành ngân hàng tỉnh cho vay ưu đãi với mức lãi suất không quá 6,5%/năm cho 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 30/12/2016 gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt dư nợ hơn 90 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như sản xuất, chế biến nông, lâm sản và thương mại biên giới.

Bà Đặng Thị Dung, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn, một trong những ngân hàng tiên phong cho vay lĩnh vực ưu tiên cho biết: Những năm gần đây, Agriank Lạng Sơn luôn quan tâm cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nhất là nông nghiệp – nông thôn chiếm hơn 70% tổng dư nợ. Hiện tại có 7/12 chi nhánh của ngân hàng đang thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 39/2007/QĐ-UBND và Quyết định 02/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh để phát triển rừng, cây ăn quả và chăn nuôi với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Các chi nhánh luôn duy trì sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, nổi bật tại địa bàn 2 huyện khó khăn Đình Lập và Bình Gia.

     Phối hợp tăng hiệu quả

Để có được kết quả đó, ngành ngân hàng luôn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và các chương trình tín dụng.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Hữu Lũng

Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả và đến đúng đối tượng cần thụ hưởng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trên địa bàn thực hiện tốt chương trình phối hợp với các hội, đoàn thể trong việc thực hiện chính sách tín dụng, nhất là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, hơn 60% vốn ưu đãi đến được tay người dân thông qua các tổ chức hội, đoàn thể.

Đặc biệt, thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn và phát triển doanh nghiệp. Từ đó, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, đánh giá lại chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi của các khoản nợ, để có biện pháp xử lý phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định và phát triển. Tính đến tháng 5/2019 có 956 doanh nghiệp đang quan hệ vay vốn với các ngân hàng, đạt dư nợ 9.902 tỷ đồng.

Với nỗ lực và quan tâm của ngành ngân hàng, hơn 100 nghìn hộ dân và tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình, mục tiêu ưu tiên của Chính phủ và của tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là nguồn lực quan trọng, được ví như “dòng máu” để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

ANH DŨNG