Thứ sáu,  20/09/2024

Tăng giá điện: Doanh nghiệp chủ động các giải pháp tiết kiệm

(LSO) – Từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36%, tác động với các mức độ khác nhau tùy từng lĩnh vực sản xuất. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ nhiều điện năng, chịu ảnh hưởng lớn. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế tác động của việc tăng giá điện, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Là đơn vị sản xuất hạt mài (làm đá mài) – Chi nhánh hạt mài Tân Mỹ (Văn Lãng) có lượng tiêu thụ điện lớn, việc tăng giá điện có ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, thu nhập của công nhân. Anh Nguyễn Văn Nguyện, công nhân bộ phận luyện colindon cho biết: Do ảnh hưởng từ tăng giá điện, chi nhánh điều chỉnh lại thời gian, quá trình sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Vì vậy, ngày công lao động của tôi giảm 3 ngày/tháng, tương ứng với thu nhập giảm 700.000 đồng/tháng. Là lao động chính trong gia đình, việc giảm thu nhập như trên khiến cuộc sống gia đình gặp khó khăn.

Công nhân Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật (thành phố Lạng Sơn) lắp ráp xe máy điện 

Chi nhánh hạt mài Tân Mỹ là doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn nhất trong tỉnh. Với hệ thống lò luyện kim, sản xuất liên tục 24/24 giờ, mỗi tháng, chi nhánh chi trả tiền điện dao động từ 4,5 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng. Việc tăng giá điện 8,36% khiến chi nhánh phải chi trả thêm từ 380 triệu đồng đến 500 triệu đồng/tháng. Để hạn chế ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất kinh doanh, chi nhánh đã giảm số lượng lò luyện kim từ 4 lò xuống còn 3 lò; thời gian luyện kéo dài hơn so với trước khoảng 3 giờ đồng hồ;… Qua đó, giảm chi phí sử dụng điện cho sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu hạt mài cho Công ty mẹ.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc chi nhánh chia sẻ: “Việc tăng giá điện ảnh hưởng tới chi phí sản xuất đầu vào nhưng công ty không thể tăng giá sản phẩm. Bởi nếu tăng sẽ khó cạnh tranh, nhất là sản phẩm tương tự được nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, điều chỉnh quá trình sản xuất để giảm thiểu chi phí là phương án trước mắt của công ty. Tuy nhiên, việc giảm số lò luyện kéo theo giảm công lao động của công nhân. Đây là trăn trở lớn của chi nhánh, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn giải pháp tiết kiệm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo thu nhập công nhân không bị giảm”.

Công nhân Chi nhánh hạt mài Tân Mỹ kiểm tra lò luyện kim

Cũng như Chi nhánh hạt mài Tân Mỹ, Công ty TNHH Hồng Phong trung bình mỗi tháng chi khoảng 1 tỷ đồng tiền điện. Để giảm chi phí tối đa đầu vào trong sản xuất, nhất là tiết kiệm chi phí sử dụng điện, công ty chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nội quy về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Cùng với đó, thay thế dần công nghệ, dây chuyền sản xuất như: thay thế hàm nghiền đá, hệ thống dây chuyền băng tải bằng công nghệ của châu Âu.

Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Việc đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất là rất quan trọng, bởi sau khi tăng giá điện, một số doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã họp, bàn xem xét về việc tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, nếu tăng giá sẽ không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy vậy, việc đổi mới công nghệ đòi hỏi vốn lớn nên chỉ có thể thay thế dần từng khâu, từng bước, hiện doanh nghiệp vẫn phải chịu thêm phần chi phí do tăng giá điện.

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 2.700 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có gần 20% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực như: luyện kim, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng… tiêu thụ lượng điện năng lớn; doanh nghiệp tiêu thụ điện năng có chi phí sử dụng điện từ 500 triệu đồng/tháng trở lên chiếm trên 20 doanh nghiệp. Việc tăng giá điện làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất của doanh nghiệp, vì vậy, các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế tối đa chi phí.

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc tăng giá điện ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp.Tuy vậy, các doanh nghiệp sử dụng điện lớn chiếm ít so với các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Hiện, các doanh nghiệp đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp để tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí đầu vào, đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp. Sau hơn 1 tháng tăng giá điện, mặc dù sở chưa nhận được ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về ảnh hưởng của tăng giá điện nhưng sở đã chỉ đạo phòng Quản lý năng lượng phối hợp với Công ty Điện lực Lạng Sơn tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả.


Tiết kiệm điện – nâng hiệu quả sản xuất

(LSO) – Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp đã xây dựng các giải pháp để tiết kiệm điện năng nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm khi giá điện tăng đáng kể (8,36%) trong thời gian qua. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Lạng Sơn trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Ngọc Điển, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Lạng Sơn: “Tổ chức các khâu sản xuất hợp lý, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận”.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp đã xây dựng các giải pháp để tiết kiệm điện năng nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm khi giá điện tăng đáng kể (8,36%) trong thời gian qua. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Lạng Sơn trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điện lực Lạng Sơn đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ điện lớn thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Trong đó, cần thực hiện một số nội dung quan trọng như: tổ chức các khâu sản xuất hợp lý, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận để giảm thời gian lãng phí điện do chờ đợi; thay thế các thiết bị thế hệ cũ, lạc hậu tiêu thụ điện năng lớn bằng các thiết bị thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương; hạn chế vận hành các máy, thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn của xưởng vào giờ cao điểm; khai thác tối đa công suất thiết bị, tiết kiệm điện năng tiêu thụ; quan tâm kiểm tra các hệ thống điện để giảm thất thoát điện. Đặc biệt, nếu điều kiện cho phép, doanh nghiệp nên tổ chức thực hiện sản xuất thêm ca đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm giảm giá thành điện.

Ông Hoàng Văn Măng, Trưởng Phòng Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương: “Kiểm toán năng lượng, giảm thiểu thất thoát”.

Để giảm chi phí không đáng có trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với ngành công thương để thực hiện kiểm toán năng lượng. Quá trình kiểm toán sẽ đánh giá việc tiêu thụ điện năng đối với từng dây chuyền, bộ phận máy móc và công đoạn sản xuất sản phẩm. Từ đó phát hiện những vị trí thất thoát điện năng hoặc những công đoạn, thiết bị vận hành quá tải hoặc non tải để kịp thời điểu chỉnh cho phù hợp, nâng hiệu suất thiết bị lên cao nhất với lượng tiêu thụ tối ưu.

Sau kiểm toán, các doanh nghiệp tùy theo quy mô và dây chuyền sản xuất sẽ lựa chọn giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp. Trong đó có 2 nhóm giải pháp chính: thứ nhất, các giải pháp đơn giản ít chi phí đầu tư như: điều chỉnh về quản lý, bảo ôn, giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên,… Với các giải pháp này thường ít ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp có thể ứng dụng ngay mà không cần phải xem xét quá nhiều về kỹ thuật.  Thứ hai, các giải pháp có mức độ đầu tư cao như: cải tiến công nghệ, hay lắp đặt thêm các thiết bị phụ trợ giúp tiết kiệm năng lượng (lắp biến tần, Powerboss, Enerkeeper…). Khi xem xét các giải pháp này, doanh nghiệp cần thiết phải đánh giá mức độ tác động tổng thể đối với toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long: “Xây dựng quy định, cải tiến công nghệ để tiết kiệm năng lượng”.

Là đơn vị sản xuất công nghiệp với dây chuyền sản xuất vận hành liên tục, để tiết kiệm năng lượng, công ty đã ban hành quy định sử dụng điện đối với mỗi cán bộ, công nhân viên như: việc bật, tắt các thiết bị, quy trách nhiệm theo dõi chéo giữa các tổ sản xuất, hạn chế tình trạng vận hành thiết bị không hiệu quả từ việc bật, tắt các bóng điện.

Đồng thời, công ty nâng cấp thiết bị, cải tiến dây chuyền sản xuất như: thay thế các mô tơ cũ tiêu hao điện lớn tại các băng chuyền, máy quấn động cơ… bằng các mô tơ công nghệ mới ít tiêu hao điện nhưng vẫn đảm bảo công suất sử dụng; nâng cấp, điều chỉnh thiết bị đạt tối đa hóa công suất đối với máy tiện, phay, bào để chế tạo vỏ máy bơm… Từ đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện mà chi phí đầu vào của công ty độn lên không đáng kể khi giá điện tăng.

ANH DŨNG - ĐỖ HOẠT