Thứ sáu,  20/09/2024

Quan Sơn: Phát huy thế mạnh đồi rừng

(LSO) – Với trên 4.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên, thời gian qua, người dân xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã  tận dụng thế mạnh đó để đầu tư phát triển kinh tế rừng. Nhờ rừng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Năm 1993, tại xã Quan Sơn triển khai dự án trồng rừng 327, nhà nước hỗ trợ nhân dân cây giống, tiền nhân công để phát triển trồng rừng. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhận thức của người dân còn hạn chế nên không mấy mặn mà với việc trồng rừng. Chỉ có một số ít hộ nhiệt tình tham gia dự án và họ chính là những người tiên phong trong phát triển kinh tế rừng của xã.

Từ năm 2010, khi các hộ trồng rừng dự án được thu hoạch, nhận thấy hiệu quả kinh tế, người dân mới bắt đầu trồng rừng. Khi đó, trung bình mỗi năm, xã chỉ trồng mới từ 30 – 50 ha rừng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ, bình quân mỗi năm, xã trồng mới từ 150 – 200 ha rừng, chủ yếu là keo lai, bạch đàn và thông, nâng tổng diện tích rừng trồng của xã hiện nay lên gần 2.000 ha.

Người dân thôn Đồng Ghè, xã Quan Sơn chăm sóc cây keo

Ông Hoàng Văn Ty, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định phát triển lâm nghiệp là hướng đi chủ lực, là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao đời sống người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng như: triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện theo Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND của tỉnh về hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã đã tạo điều kiện cho khoảng 60 hộ dân vay vốn, với số tiền trên 13 tỷ đồng để trồng rừng.

Cùng với đó, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức từ 2 -3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, từ năm 2015, xã cũng đã quy hoạch vùng trồng rừng cụ thể tập trung ở các thôn: Mu Cai Pha, Củ Na, Đồng Ghè, Đông Mồ, Làng Mủn.

Không chỉ chú trọng phát triển trồng rừng theo số lượng, chính quyền xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng rừng trồng; định hướng cho người dân phát triển các loại cây phù hợp và khuyến cáo bà con chủ động chăm bón, phòng trừ sâu bệnh.

Ông Lý Văn Mão, thôn Đồng Ghè là một trong những hộ trồng rừng đầu tiên của xã chia sẻ: Năm 1996, thực hiện dự án của nhà nước,  tôi trồng 1,3 ha thông và keo. Tiếp đó, từ năm 1997 đến năm 1999, tôi trồng thêm 8 ha rừng. Thời điểm mới trồng do chưa biết cách chăm sóc nên hiệu quả không cao. Năm 2007, gia đình bán 1 ha keo chỉ thu được gần 30 triệu đồng. Sau này, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, tôi có thêm kiến thức về trồng, chăm sóc, khai thác rừng. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm, từ khai thác nhựa thông, gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Tiếp đó, với rừng keo 10 tuổi, sau thu hoạch tôi cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Hiệu quả cao nên khai thác rừng đến đâu, tôi trồng mới đến đó.

Ngoài gia đình ông Mão, hiện nay, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ gia đình chọn hướng phát triển kinh tế rừng và có thu nhập ổn định. Tiêu biểu như hộ: ông Hoàng Văn Ích, thôn Đồng Ghè; bà Hoàng Thị Thi, thôn Mu Cai Pha; ông Hoàng Văn Chân, thôn Đông Mồ; ông Vy Văn Hồng, thôn Làng Hăng; ông Ma Văn Hùng, thôn Làng Thượng; ông Hoàng Văn Trung, thôn làng Mủn.

Hiệu quả từ trồng rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 14,9% (năm 2016, tỷ lệ này là  31%).

NGUYỄN PHƯƠNG